Câu chuyện tôi muốn kể về tiết kiệm điện, trông người mà ngẫm đến ta... là vầy: Tôi từng có 2 năm làm việc cho một khách sạn và văn phòng đại diện của công ty Mỹ (Q.1, TP.HCM), chuyên sản xuất và bán máy phát điện, máy tàu thủy, các loại máy xúc, máy ủi làm cầu đường giao thông.
Công việc bảo vệ của tôi chuyên bảo quản và sử dụng khởi động máy phát điện vào những lúc tòa nhà văn phòng chẳng may bị cúp điện, đòi hỏi tôi phải cẩn thận và phòng ngừa cháy nổ, cũng như tiết kiệm điện năng khi cần thiết.
Người ngoại quốc sinh sống bất cứ nơi đâu thì họ cũng đều có ý thức tiết kiệm trong mọi lĩnh vực chi tiêu về tài chánh, năng lượng điện năng, xăng dầu, xe cộ, điện nước. Tuy mang tiếng xuất thân từ các nước văn minh, tiến bộ và giàu có nhờ vào nguồn tài nguyên phong phú và sự phát triển của đất nước... nhưng họ chỉ sử dụng điện năng khi thật sự cần thiết.
Lúc rời khỏi phòng, nhà hay căn hộ... thì họ đều cẩn thận tắt hết những bóng đèn, cầu dao, rút các phích điện ra khỏi ổ cắm và thay hẳn những sợi dây điện đã quá cũ, mỏng nhỏ với lớp vỏ cao su của dây điện đã bị hao mòn, bong tróc để tránh trường hợp sợi dây đồng của 2 cọng dây điện "nóng và lạnh (nguội)" va chạm vào nhau, gây cháy nổ.
Nếu tuổi thọ của 2 sợi dây của các thiết bị điện sau quá trình sử dụng lâu năm và đã quá tải, do con người sử dụng quá công suất từ các thiết bị điện gây nên, họ đều nhanh chóng thay mới.
Vì vậy mà các nguyên nhân gây cháy nổ, hỏa hoạn khi có sự cố hai sợi dây điện bong tróc lớp vỏ cao su bảo vệ và lòi hai cọng dây đồng "âm dương" chạm vào nhau tạo ra tiếng nổ và tia lửa văng tóe vào các vật liệu vải, cao su, cây gỗ, giấy... trong các hộ gia đình khi không có ai ở nhà, đều bị loại trừ.
Vì vậy, học tập người nước ngoài, việc phòng cháy hơn chữa cháy và sống tiết kiệm điện năng khi không cần thiết sử dụng, tôi đều quán triệt cho cả nhà. Khi ra khỏi nhà, khỏi phòng, cơ quan, trường học... nơi mình học tập và làm việc, tôi đều "tắt hết các thiết bị điện khi không sử dụng". Ở nhà, tôi tận dụng sử dụng ánh sáng nhân tạo và không khí tự nhiên buổi sáng ban mai hay về đêm để sinh hoạt.
Mùa nắng nóng, trước nhu cầu sử dụng máy lạnh liên tục ngày đêm, tủ lạnh chứa thức ăn và nhất là đồ uống luôn cần thiết để giải nhiệt, giải cơn khát của mùa hè "tóe lửa, nắng nóng chảy thịt da", tôi đều hạn chế đến mức thấp nhất.
Trong nhà chủ yếu dùng máy lạnh khi thật cần thiết. Tôi có chế độ bảo quản rửa cẩn thận, lau chùi thường xuyên để tăng tuổi thọ và tiết kiệm nguồn năng lượng. Bảo quản hơi gas đủ làm lạnh máy, không bị thất thoát gas khiến máy phải hoạt động nhiều công suất gây hao tốn nhiều điện năng, ảnh hưởng đến hóa đơn tiền điện thanh toán hằng tháng tăng cao.
Tôi cũng vận động người thân cùng lan tỏa thông điệp của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) về ý thức tiết kiệm điện thành thói quen.
Hãy nhắc nhở các thành viên trong mỗi gia đình, bè bạn lối xóm và nơi làm việc, trường học, căn hộ chung cư, nhà ở tập thể cũng như cá nhân... cùng nhau chung tay tiết kiệm điện, khi không có nhu cầu cấp thiết thì phải hạn chế ngay việc sử dụng các thiết bị điện để tránh lãng phí.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)