1. Không nên chạy theo thời trang, có thể cái tivi bạn mua trong giai đoạn này là công nghệ, kiểu dáng mới nhất, nhưng vài tháng sau lại là hàng “lỗi thời” do có sản phẩm mới hơn ra đời. Sản phẩm cũ, “lỗi thời” thì giá có thể giảm từ 30 đến 40% so với giá trị lúc đầu và “ngân sách” của gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản lớn.
|
2. Thời điểm đi mua đồ điện tốt nhất không phải là khi có đủ tiền mà là khi các công ty bán hàng khuyến mãi. Khuyến mãi được xem như hình thức kích cầu nâng cao doanh số bán hàng của các cửa hàng bán đồ điện khi thấy nhu cầu chi tiêu của người dân xuống thấp. Nhiều siêu thị điện máy hiện nay đang có chương trình giảm giá đến 49% sản phẩm, chẳng hạn, mua một cái nồi cơm điện có giá 690.000 đồng trong thời điểm khuyến mãi chỉ phải trả 390.000 đồng.
3. Mua sản phẩm đa năng cũng là cách để tiết kiệm chi phí. Thay vì phải mua một chiếc quạt máy, một cái đèn sạc dùng khi cúp điện thì bây giờ nhà sản xuất đã cho ra đời sản phẩm quạt và đèn sạc tích hợp trong một sản phẩm. Nồi điện đa năng có thể nấu canh, nấu lẩu, thậm chí là xào rau thay thế cho rất nhiều đồ dùng, đồng thời giúp tiết kiệm thêm tiền gas hằng tháng.
4. Tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua. Nhiều người muốn mua một chiếc máy lạnh nhưng sợ “hao” điện nên chọn máy lạnh dùng công nghệ inverter tiết kiệm được 30% điện, giá cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng. Theo một số chuyên gia, nếu gia đình chỉ sử dụng trong thời gian ngắn (vài giờ/ngày) rồi tắt thì không nên mua vì máy lạnh dạng này chỉ có tác dụng tiết kiệm khi bật từ 4 tiếng trở lên.
Nguyên Trang
Bình luận (0)