Trong các tháng 4, 5 và 6.2011, sản lượng điện thiếu hụt bình quân tại TP.HCM được xác định dao động từ 0,35 triệu KWh/ngày đến 2 triệu KWh/ngày. Trước tình hình đó, Tổng công ty Điện lực TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP đã hợp tác triển khai chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện”.
Đây được xem là giải pháp trọng tâm giảm áp lực thiếu điện mùa khô, và thực tế chương trình đã đáp ứng mong đợi. Hầu hết các địa phương đều tổ chức vận động thực hiện tốt, giảm được hàng triệu KWh điện so với cùng thời điểm năm 2010.
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tính chung 6 tháng đầu năm, đặc biệt nhờ phong trào tiết kiệm trong 3 tháng mùa khô vừa qua, tổng sản lượng điện tiết kiệm trên toàn thành phố đã đạt khoảng 200 triệu KWh. Mức giảm lớn nhất là điện sinh hoạt với 99,41%, chiếm trên 50% tỉ trọng năng lượng tiết kiệm, tiếp đó là khối khối điện sản xuất (34,58 triệu KWh), khối chiếu sáng công cộng (32,36 triệu KWh), kinh doanh dịch vụ (8,64 triệu KWh)…
Hà Nội vốn là một trong những điểm nóng sử dụng điện cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tiết kiệm điện mùa khô năm nay. Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cũng đã phối hợp với Sở Công thương và Hội Phụ nữ TP triển khai “hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2011” với 290.000 hộ gia đình trên toàn thành phố. Kết quả, đã tiết giảm được 162.000 kWh.
Kêu gọi khách hàng chia sẻ và thông cảm, đặc biệt kêu gọi các khách hàng doanh nghiệp bố trí lại phương thức sử dụng điện tiết kiệm, hạn chế giờ cao điểm… Nhờ hàng loạt giải pháp đồng bộ mà 6 tháng đầu năm nay, EVN Hà Nội đã tiết kiệm được trên 48 triệu kWh.
Không chỉ TP.HCM, Hà Nội, tất cả các địa phương trên cả nước đều rốt ráo tiết kiệm điện, với nhiều giải pháp khác nhau, nhưng đều cho kết quả khá khả quan.
Theo một lãnh đạo của EVN Hà Nội, tiết kiệm điện bắt đầu từ chính ý thức của người dân và các doanh nghiệp đi đến những hành động cụ thể, như tắt bớt một bóng đèn điện, thay bóng đèn tiết kiệm điện, hay chia ca làm việc, hạn chế giờ cao điểm… đã đem lại những kết quả lớn, mà một mình ngành điện không thể làm được.
Chị T.T.M (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, bớt sử dụng điện thật ra không hề khó, chỉ “huy động” mọi thành viên trong gia đình tắt đèn khi ra khỏi phòng, chỉ bật điều hòa khi cần thiết… đã giúp gia đình chị tiết kiệm được hơn 500.000 đồng tiền điện mỗi tháng. “Với giá điện tăng, hàng loạt chi phí sinh hoạt khác cũng đội lên, tiết kiệm được đồng nào tốt đồng ấy. Bây giờ ngay cả cháu nhỏ nhà tôi cũng đòi tắt điện khi ra khỏi phòng”, chị T.T.M nói.
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn nhiều hành động không đẹp khiến phong trào tiết kiệm điện chưa thực sự triệt để. Báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh về những bóng đèn cao áp sáng trưng giữa ban ngày, biển quảng cáo, đèn trang trí sáng rực đường phố các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Gần đây, những ai lưu thông trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) đều có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục ngọn đèn cao áp dọc tuyến này được bật sáng trưng lúc 5 giờ chiều.
Thực tế, kết quả lớn nhất của cuộc vận động tiết kiệm điện là không còn tính chất vận động, phong trào, mà đi vào thiết thực và hiệu quả. Người dân không còn xa lạ với khái niệm “tiết kiệm điện”. Nhưng để tiết kiệm điện được thực hiện như một ý thức văn minh, những hành động không đẹp trên cần được xóa bỏ. (Vĩnh Hòa)
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)