Tiền gửi cá nhân lập kỷ lục
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tháng 3 đã tăng thêm 104.000 tỉ đồng, lên 6,627 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên so với cuối năm 2023, các tổ chức kinh tế gửi tiền vào hệ thống tín dụng vẫn âm 3,14% (tháng 2 âm 4,66%, tháng 1 âm 2,41%). Trong khi đó, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tiếp tục tăng thêm 39.000 tỉ đồng so với cuối tháng 2, lên 6,676 triệu tỉ đồng, tương ứng mức tăng 2,2% so với cuối năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục về lượng tiền gửi cá nhân vào hệ thống ngân hàng (NH). Điểm đáng lưu ý là vào thời điểm tháng 3, lãi suất (LS) huy động tiền đồng của hệ thống NH gần như ở mức đáy, dao động từ 1,6 - 5%/năm ở các kỳ hạn nhưng như nói trên, tiền gửi vẫn tăng nhanh.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng lượng tiền gửi tháng 3 tăng trong bối cảnh LS tiết kiệm ở mức thấp cũng hợp lý bởi giai đoạn này các kênh đầu tư khác, kể cả vàng chưa sôi động. Vì thế, dòng tiền tỏ ra thận trọng. "Khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng lên thì chứng tỏ nền kinh tế vẫn còn khó khăn, dòng tiền vẫn chưa chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Huân lưu ý.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận định để đánh giá đúng về bản chất lượng tiền gửi tăng lên, cần xem cơ cấu tiền gửi như thế nào. Đơn cử với cá nhân, cần xem họ gửi tiền NH kỳ hạn 3 - 6 tháng để tìm cơ hội đầu tư hay gửi trên 12 tháng. Nếu lượng tiền gửi trên 12 tháng thì khả năng dòng tiền này không tìm cơ hội đầu tư, chỉ chờ hưởng lãi. Đối với doanh nghiệp (DN), tiền gửi tăng lên thì cũng tốt vì họ thu được tiền về. Thế nhưng lượng tiền gửi này nằm trong tài khoản thanh toán, xử lý thanh khoản, luân chuyển dòng tiền thì tốt, còn nếu gửi dài hạn thì chứng tỏ DN không có kế hoạch sản xuất kinh doanh. "Lượng tiền trong NH tăng lên nhiều khi không quan trọng bằng vòng quay của dòng tiền đó nhanh hay chậm. Tiền nhiều mà không chạy thì lúc nào cũng cảm thấy thiếu tiền vì nó nằm một chỗ", ông Hiển giải thích.
Tiết kiệm vẫn hút tiền nhàn rỗi
Lãi suất tiết kiệm tăng
Phân tích sâu hơn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Chứng khoán, bất động sản biến động không nhiều, vàng thì không dễ đầu tư nên nhìn trên cục diện chung, kênh tiền gửi NH vẫn là tốt nhất. Riêng tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 3 tăng lên do vấn đề thanh khoản là chính. Về bản chất, các DN không mặn mà với mức LS tiết kiệm ở mức thấp, họ tạm thời gửi ở NH trong thời gian tìm hướng sản xuất kinh doanh với mức sinh lời tốt hơn. Bởi theo ông Hiếu, hoạt động kinh tế năm nay đã ổn hơn so với năm ngoái nên dòng tiền gia tăng hơn.
"Trong tháng 4 và 5, vàng trở nên sôi động khi giá tăng cao, thu hút sự quan tâm của người dân. Điều này phần nào tác động đến lượng tiền gửi trong NH. Động thái rõ nhất là khoảng 1 tháng trở lại đây, LS tiết kiệm đã rục rịch tăng trở lại để giữ chân dòng tiền. Mặc dù tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn còn thấp nhưng kỳ vọng các NH cho vay nửa năm sau sẽ tăng lên. Do đó NH sẽ cần một lượng vốn phục vụ nhu cầu tín dụng những tháng tới. Chính vì vậy LS huy động tăng trong nửa năm sau để thu hút tiền gửi tiếp tục vào NH", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đối chiếu thực tế thị trường có thể nhận thấy bắt đầu từ tháng 5 đến nay, các NH liên tục tăng LS tiết kiệm. Mới đây, ACB tăng LS tiết kiệm từ 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn, lên 2,3 - 4,5%/năm. LPBank tăng LS huy động thêm 0,2%/năm, dao động từ 3,4 - 5,6%/năm. Eximbank tăng LS tiết kiệm lần thứ 3 trong tháng 6, thêm 0,2%/năm, dao động từ 3,2 - 5,8%/năm… Kể từ đầu tháng 6 đến nay, có khoảng 22 NH đã tăng LS tiết kiệm. Riêng đối với 4 NH có vốn nhà nước thì chỉ có VietinBank tăng LS huy động thêm 0,2%/năm, dao động từ 2 - 5%/năm. 3 NH còn lại giữ lãi huy động ở mức thấp, từ 1,6 - 4,8%/năm.
Báo cáo phân tích tại Công ty cổ phần chứng khoán An Bình (ABS) cho thấy trong quý đầu năm nay, LS huy động được các NH điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên, bước sang quý 2, xu hướng này đã đảo chiều, nhiều NH điều chỉnh tăng LS huy động. Biên độ tăng lớn nhất thuộc về các NH thương mại. LS tăng đến từ thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi NH của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các NH phải tăng LS để tăng tính hấp dẫn cho kênh đầu tư này. Ngoài ra, khi hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, cá nhân và DN có nhu cầu tín dụng nhiều hơn, các NH sẽ có xu hướng tăng LS để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 14.6, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các NH đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước. Từ nay đến cuối năm, NHNN chỉ đạo các NH hướng tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn có tính mùa vụ cao đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (lúa gạo, cà phê, thủy sản…); rà soát để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng…
Bình luận (0)