Tiết lộ những quy ước bắt tay khác biệt trên thế giới ai cũng nên biết

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
01/01/2022 08:54 GMT+7

Tùy theo nền văn hóa , quy ước bắt tay có khác nhau. Ở phương Tây người ta thường bắt tay chắc chắn, còn ở châu Á, phần lớn đều bắt tay ở lực vừa phải, siết chặt quá có thể bị xem là thô lỗ.

Nhìn chung, cách bắt tay mạnh ở mức độ nào là điều rất quan trọng, việc ai đưa tay ra trước cũng quan trọng không kém trong nghi thức bắt tay. Theo qui ước thông thường, phụ nữ, người cao tuổi, cấp trên hoặc chủ nhà sẽ đưa tay ra trước. Ở một số nơi người ta thường bắt hai tay, hoặc bắt tay phải hoặc trái song phần lớn thì đều bắt tay phải.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon bắt tay “Ông hoàng nhạc Rock and Roll” Elvis Presley (21.12.1970)

history

Ở Hoa Kỳ, người ta thường bắt tay khá chặt bằng tay phải, với tư thế tốt và giao tiếp bằng mắt; còn ở Hà Lan và Bỉ, việc bắt tay là một nghi thức phổ biến, được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là trong cuộc họp. Người Áo bắt tay khi gặp nhau, kể cả với trẻ em.

Nam giới ở Thụy Sĩ có thể chìa tay ra trước để bắt tay phụ nữ, còn đàn ông Nga thì thường bắt tay nhau, phụ nữ hiếm khi thực hiện nghi thức này. Ở Tây Ban Nha, bắt tay là một loại nghi thức ngắn để chào hỏi, trong đó hai bàn tay, phải với phải hoặc trái với trái, chắp vào nhau, thường được thực hiện khi hai người gặp nhau hoặc chào tạm biệt, hoặc khi kết thúc hợp đồng.

Theo Wikipedia, việc bắt tay giữa nam và nữ không được khuyến khích trong các xã hội Hồi giáo và các quốc gia như Iran, Irắc, Ả Rập Xê Út, Pakistan... Theo quy định chung, nam giới không được phép đến gần người nữ hoặc chạm vào họ và ngược lại.

Tuy nhiên, ở Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi giáo ít bảo thủ hơn thì đàn ông và phụ nữ có thể bắt tay nhau, tùy thuộc vào bối cảnh và xã hội, song cần phải thực hiện nhẹ nhàng, ở đất nước này và vùng Trung Đông nói tiếng Ả Rập thì việc cầm tay quá chặt được xem là thô lỗ. Việc bắt tay không phổ biến trong nhiều tôn giáo khác, ví dụ như trong các phong trào chính thống của đạo Do Thái, một số nhà sư Phật giáo cũng không áp dụng nghi thức này.

Các quốc gia châu Phi có những biến thể bắt tay riêng so với kiểu truyền thống. Một cái bắt tay phải chắc chắn và thường kéo dài. Ở Namibia, ngón tay cái bị khóa ở giữa cái bắt tay. Ở Liberia, mọi người vỗ tay hoặc bắt tay nhanh, sau đó thực hiện một cái búng tay phức tạp.

Hai nữ thần Hera và Athena bắt tay nhau, cuối thế kỷ 15 trước Công nguyên (Bảo tàng Acropolis Museum, Athens)

T.L

Những người đàn ông Masai chào nhau bằng một cái chạm nhẹ vào lòng bàn tay trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ở miền Đông và miền Nam châu Phi, người ta giữ khuỷu tay phải bằng tay trái trong khi bắt tay là biểu hiện của sự tôn trọng. Bên cạnh bắt tay, người Maroc thường hôn lên má nhau (đối với giới tính tương ứng). Ở một số quốc gia châu Phi khác, thay vì hôn và cái bắt tay, người ta đặt lòng bàn tay lên ngực, nơi trái tim. Riêng ở Ethiopia, cách bắt tay bằng tay trái được coi là thô lỗ.

Khi nào nên bắt tay?

Trung Quốc, tuổi tác được coi là quan trọng trong nghi thức bắt tay. Những người lớn tuổi hơn thường chào và đưa tay ra trước những người trẻ hơn. Ở Nhật Bản không có truyền thống bắt tay, người Nhật thích nghi thức cúi chào nhau, với hai tay mở ra hai bên, tuy nhiên đối với người nước ngoài thì họ sẽ chào bằng cách bắt tay, do đó nếu gặp người Nhật, hãy để họ chủ động thực hiện nghi thức này sẽ thích hợp hơn, và chỉ cần bắt tay nhẹ nhàng là được rồi.

Ở Ấn Độ và một số quốc gia lân cận, cử chỉ Namaste (cúi chào) là dấu hiệu của sự tôn trọng, đôi khi kết hợp với sự cúi đầu nhẹ thay cho bắt tay. Tuy nhiên, trong môi trường trang trọng hoặc kinh doanh thì có thể ưu tiên sử dụng việc bắt tay.

Hàn Quốc, việc cúi đầu là cách chào hỏi thông thường và được ưa thích. Người lớn tuổi sẽ chủ động bắt tay. Việc nắm chặt cánh tay phải bằng tay trái khi bắt tay là một dấu hiệu của sự tôn trọng, còn trong lúc bắt tay mà cho tay còn lại vào túi thì bị coi là thiếu tôn trọng.

Giống như một cái bắt tay, việc nắm tay nhau cũng là một cách thừa nhận mối quan hệ. Tuy nhiên, không giống như hình thức bắt tay, việc nắm tay thường không được sử dụng để kết thúc một thỏa thuận kinh doanh.

Cách high five giữa 2 thủy thủ của Hải quân Hoa Kỳ

Wikipedia

Bill Clinton bắt tay John F. Kennedy (July 24 1963)

history

Ở những vùng xung quanh Địa Trung Hải và Đông Âu, nam giới thường chào nhau bằng một nụ hôn, dù có kèm theo bắt tay hay không. Còn ở một số khu vực của châu Phi, người ta thường bắt tay liên tục để chứng tỏ rằng đang nói chuyện. Nếu họ không bắt tay, những người khác được phép tham gia cuộc trò chuyện.

Nhìn chung, cần thực hiện việc bắt tay bằng tay phải, trừ khi một trong các bên không thể thực hiện được, ví dụ như do chấn thương hoặc do khuyết tật. Xin lưu ý, việc đưa tay trái để bắt là điều khá bất thường và cũng là một điều cấm kỵ trong nhiều nền văn hóa.

Đặc biệt trong đạo Hồi, tay trái được coi là 'ô uế', vì nó được dùng để lau mông sau khi đi đại tiện. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bắt tay trái là điều đương nhiên, không có gì bất ổn cả. Ví dụ hướng đạo sinh và kiếm sĩ, họ đều bắt tay bằng tay trái vì tay phải cầm cờ hoặc kiếm.

Thông thường, trước khi bắt tay, cần cởi bao tay và găng tay, không nên để bàn tay bị ướt hoặc bẩn. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.