Tiết lộ thù lao của diễn viên quần chúng

Minh Luân
Minh Luân
13/12/2021 12:42 GMT+7

Họ có thể thoại vài câu: 'chờ tao với', 'bữa nay xui tận mạng', 'vé số đây'… rồi lướt qua màn hình, hoặc đôi khi không nói câu nào. Họ chính là những diễn viên quần chúng mà dân trong nghề gọi là 'extras'.

Làm phim, thiết bị là điều kiện “cần”, còn diễn viên quần chúng là điều kiện “đủ"

Extras có thể vào vai học sinh cho buổi tan trường thêm đông đúc, có thể làm tiểu thương, người mua hàng để không khí chợ búa trong phim thật như đời thường. Họ cũng có thể vào vai bệnh nhân trong cảnh quay ở bệnh viện, thậm chí có thể làm xác chết, tô nền cho một phân đoạn phim nào đó.

Nghề extras xuất hiện từ rất lâu. Trước đây, khi mạng xã hội chưa phát triển, nghề extras thường có những “quản lý”, hay còn gọi là kịch vụ, giữ các đầu mối liên lạc, kết nối diễn viên quần chúng với các nhà làm phim. Khi đoàn phim cần người, tùy theo số lượng, tuổi tác, giới tính…, kịch vụ sẽ tập hợp extras cung cấp cho đoàn phim. Kịch vụ sẽ thu một khoản phí, từ 10-20% dựa trên cát-sê của từng diễn viên quần chúng. Sau này, mạng xã hội phát triển, nhất là Facebook, các nhóm diễn viên được lập ra, extras thường tự ứng cử bằng cách đăng hình ảnh, thông tin cá nhân (chiều cao, cân nặng, các phim đã tham gia…) dưới các bài đăng tuyển của nhà làm phim, để tìm kiếm cơ hội diễn xuất.

Đạo diễn Khoa Nguyễn và một cảnh quay do anh chỉ đạo trên phim trường

NVCC

Đạo diễn Khoa Nguyễn (đạo diễn phim điện ảnh Người lắng nghe) cho biết: “Diễn viên quần chúng thường không có số phận rõ nét trong đa phần các cảnh phim. Nhưng họ lại có vai trò rất quan trọng cho việc tạo nên không khí cho phim. Như cảnh tan trường trong phim Mắt biếc (đạo diễn Victor Vũ), nếu không có diễn viên quần chúng vào vai hàng trăm học sinh, thì không thể nào tạo ra không khí nhộn nhịp, sôi nổi sau giờ học”.

Riêng về phim Người lắng nghe, anh kể có một cảnh “đinh” trong phim (quay ở bờ sông Đồng Nai vào tháng 9.2020), cần tới 100 diễn viên quần chúng để vào nhiều dạng nhân vật khác nhau. “Nếu như cảnh quay này không có sự xuất hiện diễn viên quần chúng, khó lòng tạo ra tính chân thật, sống động. Cảnh quay dù tốn nhiều kinh phí, nhưng buộc phải làm”, đạo diễn Khoa Nguyễn nói.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa (bìa trái)

NVCC

Đạo diễn Võ Thanh Hòa, người được xem là “mát tay” với các tác phẩm điện ảnh như: Chị mười ba - 3 ngày sinh tử, Ông ngoại tuổi 30, Bệnh viện ma… cho biết: “Khi mình làm một bộ phim, ê-kíp, thiết bị… là điều kiện “cần”, còn diễn viên quần chúng là điều kiện “đủ”. Đối với một cảnh quay đám cưới, đám hỏi, chỉ lèo tèo vài người mà không có diễn viên quần chúng (vào vai cô dì chú bác hai bên gia đình, bạn bè, khách dự tiệc…) thì sao có thể tạo ra không khí được. Ngoại trừ cảnh đám cưới ảm đạm, buồn tẻ, ít người… là có chủ ý của đạo diễn”.

Anh dẫn chứng: “Trong phim Chị mười ba - 3 ngày sinh tử, trận đánh cuối của phim cần 100 người, để tạo ra không gian “có sức nặng” cho người xem. Nhưng cascadeur chỉ có 30 người, nên phải tìm thêm 70 extras. Bạn sẽ thấy sự khác biệt về quy mô cảnh hành động 30 người và cảnh hành động 100 người”.

Một cảnh quay có nhiều diễn viên quần chúng trong phim của đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương

NVCC

Đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương, người gắn liền với các series Trần Trung kỳ án, Nghiệp sinh tử phát sóng trên Đài truyền hình Vĩnh Long, chia sẻ: “Một cảnh chợ, họp làng, công đường xử án, nếu không có hoặc ít diễn viên quần chúng sẽ không ra “chất” của phim. Dù biết rằng, những cảnh quanh này thường cần khoảng 50 người, tốn tiền thuê phục trang, chi phí sản xuất, nhưng muốn cho khán giả xem có cảm giác câu chuyện như thật, mình phải chấp nhận tốn kém. Nếu không, lúc xem phim, thấy rất giả, khó chấp nhận”.

Giám đốc cũng đi làm diễn viên quần chúng

Anh Nguyễn Văn Cường được giới làm phim ở Sài Gòn gọi là “Cường Đà Lạt”. Anh có hơn chục năm làm quản lý extras cung cấp cho các đoàn phim mỗi khi từ TP.HCM lên quay tại Đà Lạt. Theo anh, diễn viên quần chúng thường là sinh viên, đi làm extras để kiếm tiền trang trải việc học hành. Về sau, có nhiều cô chú nghỉ hưu, đi đóng phim vì vui, một phần để kiếm thêm thu nhập. “Đáng nói, có cả giám đốc, chủ doanh nghiệp, thích phim ảnh, đi đóng vai quần chúng. Gọi là có mặt ngay, rất đúng giờ. Đa phần những trường hợp này tham gia cho vui, tiền bạc không quan trọng”.

Trong những năm gần đây, các đoàn phim quay tại Đà Lạt ngày càng nhiều, các cảnh quay cần đông diễn viên quần chúng hơn so với trước. Nên ngoài nguồn sinh viên, anh Cường phải tìm thêm những nguồn khác, từ các CLB nghệ thuật, trung tâm văn hóa, hội, đoàn…

Các extras tham gia phim điện ảnh Tháng năm rực rỡ

Anh Nguyễn văn cường cung cấp

Diễn viên quần chúng trong một cảnh quay tại Đà Lạt

Anh nguyễn văn cường cung cấp

Anh Cường kể phim Tháng năm rực rỡ (quay vào tháng 8.2017, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) có cảnh quay ở dốc Nhà Bò, cần 150 người, quay từ 7 giờ sáng hôm nay đến 3 giờ sáng hôm sau mới xong. Nhưng cảnh "nặng" diễn viên hơn cũng trong phim này, là ở trường nội trú huy động gần 600 người. “Mình tìm gần hết các nguồn tại Đà Lạt mới đủ, từ các trường học, làng trẻ em SOS… Hoặc như phim Lật mặt 4 của Lý Hải (quay vào đầu năm 2019), mình phải huy động cùng lúc 200 cặp cô dâu chú rể chỉ cho một cảnh quay”, anh Cường cho biết.

Extras vào vai cô dâu chú rể, làm nền cho một cảnh quay trong phim Lật mặt của Lý Hải

Anh nguyễn văn cường cung cấp

Tại TP.HCM, diễn viên quần chúng cũng đa dạng, có khi là sinh viên các trường nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, hoặc những người làm công việc bán thời gian, rảnh rỗi đi làm extras tăng thu nhập.

Giây phút thư giãn của extras sau cảnh quay

Anh nguyễn văn cường cung cấp

Theo anh Cường, thù lao cho mỗi diễn viên quần chúng tham gia phim truyền hình khoảng 180.000 đồng/ngày (vai không có thoại). Thù lao khi extras tham gia phim điện ảnh vào khoảng 350.000-500.000 đồng/ngày, được bao ăn uống. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết: “Thông thường giới làm phim tính thù lao (lương) cho extras theo công, mỗi ngày 12 hoặc 14 tiếng, tùy đoàn. Thù lao extras tùy phim, MV, quảng cáo… mà có giá khác nhau, nhưng trung bình vào khoảng 300.000 đồng/ngày. Khi tham gia quay quảng cáo, extras sẽ có thù lao tốt hơn".

Võ Thanh Hòa cũng bật mí con đường “hoạt động nghệ thuật” của diễn viên quần chúng lắm gian nan. Chuyện bị bắt nạt, kỳ thị diễn ra thường xuyên. Và những diễn viên nổi tiếng hiện nay đa phần đều phải “kinh” qua vai quần chúng, phải phấn đấu miệt mài, đôi khi chịu tủi nhục, rơi nước mắt, thậm chí suýt mất mạng ngay tại phim trường mới có thể gắn bó với nghề và thành công.

Những phim tôn vinh nghề extras

Bộ phim đầu tiên nói về nghề extras là The Extra Girl (1923). Đây là bộ phim câm, nói về một cô gái với ước mơ trở thành một ngôi sao đã từ thị trấn nhỏ tới Hollywood để làm diễn viên quần chúng.

Bộ phim I Am Somebody (2015) kể về các diễn viên quần chúng làm việc tại phim trường Hoành Điếm. Riêng Châu Tinh Trì có đến 2 bộ phim nói về nghề diễn viên quần chúng, đó là: Vua hài kịch (phát hành năm 1999, có sự tham gia của: Trương Bá Chi, Lý Băng Băng…) và Tân vua hài kịch (phát hành năm 2019). Nhân vật chính là Như Mộng (Ngạc Tĩnh Văn đóng), một cô gái đam mê diễn xuất, chấp nhận đóng vai quần chúng để tìm cơ hội. Dù nỗ lực hơn chục năm, cô vẫn không thể tiến thân do kém sắc, không có người đỡ đầu. Bất chấp sự mỉa mai của người đời, Như Mộng vẫn kiên trì với nghề và tin có ngày tỏa sáng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.