Tiêu chảy cấp do Rotavirus - mối đe dọa cho trẻ nhỏ

07/07/2009 13:49 GMT+7

Thời tiết chuyển mùa, phòng cấp cứu các bệnh viện nhi ở các tuyến tiếp nhận rất nhiều ca trẻ phải nhập viện với nhiều bệnh lý thể nặng. Trong đó, tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp nhất và dễ có nguy cơ phát triển thành dịch.

Tại Việt Nam, tác nhân gây tiêu chảy nhập viện thường gặp nhất là Rotavirus. Theo một khảo sát tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ở nhóm trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp có đến 67,4% trẻ bị nhiễm Rotavirus.

Vi-rút Rota là tác nhân gây tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vi-rút Rota là loại siêu vi có thể sống lâu trong môi trường nên có khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và có thể đe dọa tử vong.

Theo thống kê của ngành y tế, ước tính trên toàn thế giới hằng năm vi-rút Rota lấy đi khoảng 610.000 tính mạng trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ này chiếm rất cao ở các nước đang phát triển. Điều đáng nói hơn là có đến 95% các trẻ bị nhiễm vi-rút Rota ít nhất là một lần trước lúc 5 tuổi.

Vi-rút Rota luôn “rình rập” con trẻ?

Vi-rút Rota có khả năng tồn tại và sống dài ngày trong môi trường. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, trên các đồ vật xung quanh trẻ như: bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, nguồn nước, các vật dụng trong gia đình...

Vi-rút lây chủ yếu qua đường tiêu hóa, qua lan truyền vi-rút từ phân người bệnh lên các đồ vật trong môi trường, đặc biệt là qua bàn tay. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, nguy cơ bị nhiễm vi-rút Rota rất cao. Do bé thường xuyên tiếp xúc với tay người và các đồ vật bằng chính tay, miệng của trẻ.

 Dấu hiệu mất nước ở trẻ
Dấu hiệu mất nước ở trẻ

Virút Rota gây hậu quả nặng nề đến sức khỏe của trẻ
Vi-rút Rota gây hậu quả nặng nề đến sức khỏe của trẻ

Triệu chứng và hậu quả do vi-rút Rota gây ra

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 12 giờ đến 4 ngày sau bệnh bắt đầu xảy ra. Trẻ thường bị ói sau đó là tiêu chảy và sốt vừa phải.

Ói xuất hiện trước tiêu lỏng 6 - 12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2 - 3 ngày. Bé ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu lỏng.

Phân lỏng toàn nước, có lúc có màu xanh, có thể có đàm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể bị tiêu lỏng hơn 20 lần một ngày. Vì vừa bị ói và tiêu lỏng nhiều, trẻ bị nhiễm Rotavirus rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc thích hợp trong giai đoạn này khiến trẻ phải nhập viện để điều trị.

Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Đa số các trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4 - 8 ngày. Tuy nhiên có trẻ vẫn còn tiêu lỏng đến 2 tuần dù đã khỏe, chơi, đòi ăn trở lại.

Thời gian bệnh thường kéo dài từ 3 đến 9 ngày nhưng tiêu chảy có thể kéo dài đến 3 tuần. Vi-rút Rota tấn công mạnh nhất vào các bé trong giai đoạn từ 3 đến 24 tháng tuổi.

Tiêu chảy cấp do nhiễm vi-rút Rota gây mất nước nghiêm trọng dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề lên sức khỏe của trẻ và trở thành gánh nặng cho gia đình như: Trẻ dễ mất nước nặng và phải nhập viện để truyền dịch; Trẻ có thể bị sụt cân và suy dinh dưỡng.

Điều trị và chăm sóc trẻ như thế nào?

Hiện nay, chưa có trị liệu đặc hiệu đối với vi-rút Rota. Những trẻ bị nhiễm vi-rút Rota và phải nhập viện thường được các bác sĩ điều trị triệu chứng như bù dịch bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch và hạ sốt cùng với một chế độ dinh dưỡng thích hợp. Trẻ đang bệnh thải ra phân một lượng rất lớn vi-rút vì vậy có thể dễ dàng lây sang trẻ khác và người chăm sóc. Cần phải tách riêng nhóm trẻ bệnh và có người chăm sóc riêng. Người chăm sóc cần chú ý rửa tay sạch trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, sau khi thay tã.

Làm cách nào để phòng ngừa bệnh cho trẻ?

Rotavirus rất dễ lây nhiễm. Điều đáng nói hơn cả là các biện pháp vệ sinh tiệt trùng thông thường đối với vi khuẩn và siêu vi khác không đủ bảo vệ trẻ khỏi tác nhân lây nhiễm này. Vì thế, biện pháp phòng ngừa bằng vắc-xin là biện pháp được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các bậc cha mẹ nên dùng. Do bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được phòng ngừa bằng vắc-xin càng sớm càng tốt. Hiện nay tại các trung tâm y tế và bệnh viện đã có loại vắc-xin dạng uống phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus rất hiệu quả. Các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi nên đưa trẻ đi uống vắc-xin để ngăn ngừa trẻ khỏi sự tấn công của vi-rút Rota. Phác đồ chủng ngừa bao gồm 2 liều vắc-xin uống, sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều vắc-xin là 1 tháng.

BS Hoàng Lê Phúc
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.