Tiêu chết, mất mùa, rớt giá…

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
22/03/2018 11:02 GMT+7

Đó là tình cảnh hiện tại của người nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Tiêu chết hàng loạt
Vụ tiêu năm 2016, vườn tiêu xanh tốt rộng 1,2 ha của gia đình ông Ngô Văn Sang (ấp Tân Định, xã Tân Thành, H.Bù Đốp, Bình Phước) cho năng suất đến hơn 3 tấn hạt. Vậy mà khoảng 3 tháng qua, 1.800 nọc tiêu bắt đầu đua nhau chết, nay chỉ sót lại còn chưa đầy 100 nọc dù gia đình ông Sang đã dùng mọi cách để cứu tiêu từ việc mời kỹ sư nông nghiệp đến kiểm tra tư vấn rồi mua thuốc về phun, xịt, đổ gốc… “Tiêu chết, tiền vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư giờ thì không biết lấy đâu ra để trả”, ông Sang tâm sự.
Ông Hà Anh Dũng, Bí thư huyện ủy Bù Đốp (người đeo kính) cùng ngành chức năng đi kiểm tra và tìm giải pháp hỗ trợ cho nông dân. Ảnh: Hoàng Giáp

Gần đó, hơn 4.000 trụ nằm trên diện tích 2,3 ha của gia đình bà Trần Thị Yến (ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, H.Bù Đốp) cũng chết trụi gốc, hiện chỉ còn khoảng 500 trụ (từ 4-7 năm tuổi). Trước hiện tượng trên, bà Yến cũng làm theo các hộ dân xung quanh mua thuốc về xịt nhưng tiêu lại chết càng nhiều hơn. “Giờ tiền ăn còn không có, lấy đâu tiền để phục hồi, chăm sóc cho vườn tiêu bây giờ”, bà Yến chua xót nói.
Trước hiện tượng tiêu chết, các ngành chuyên môn ở Bù Đốp đã hướng dẫn nông dân cách chăm sóc và cứu số tiêu còn lại. Tuy nhiên nhiều vườn dù đã khắc phục đủ mọi cách nhưng vẫn không thể cứu vãn. Đến nay trên địa bàn huyện đã có hơn 150 ha tiêu bị chết. Ông Hà Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp, nhận định: “Nguyên nhân của việc tiêu chết là do hậu quả của đợt mưa kéo dài của năm 2017 sau đó lại tiếp tục một đợt nắng hạn đã làm cho bộ rễ của cây tiêu bị thoái hóa, chết từ từ”. Cũng theo ông Dũng, trong thời gian tới, huyện tiếp tục giao cho các ngành chức năng nghiên cứu, trao đổi với nông dân cải tạo lại đất vườn, thay đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết tại Bù Đốp. “Đối với các khu vực phù hợp thì có thể chuyển sang cây ăn trái, kết hợp chăn nuôi để tránh tình trạng “chặt trồng, trồng chặt” vẫn diễn ra trong thời gian vừa qua”, ông Dũng cho hay.
Mất mùa, rớt giá
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (thôn 2, xã Thiện Hưng, H.Bù Đốp) trồng hơn 1.500 trụ tiêu, năm ngoái chỉ 400 trụ thu về gần 1 tấn tiêu. Nhưng năm nay, cả vườn chỉ thu được vài tạ. “Vừa mất mùa, lại vừa mất cả giá. Trong khi đó, việc thuê người hái cũng không phải chuyện dễ dàng vì tiêu ít trái nên họ cũng chẳng mặn mà. Nếu được mùa thì họ cũng phấn khởi, có khi mình còn trả thêm tiền cho họ, nhận đồng tiền công cũng vui”, bà Hà chia sẻ thêm.
Tiêu mất cả mùa lẫn giá khiến người dân gặp khó khăn Ảnh Hoàng Giáp
Trong khi đó, với 2.000 trụ tiêu, năm ngoái gia đình ông Sầm Văn Con (ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang, H.Lộc Ninh) thu về trên 2 tấn tiêu. “Mọi năm chi tiền công, tiền phân thì còn dư ra được một ít. Năm nay mất mùa, riêng tiền phân bón đã hơn 60 triệu đồng mà tiêu ước lượng thu hết chắc chỉ được khoảng 5 tạ. Nếu bán với giá như hiện nay (giá từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg) thì vẫn chưa được 30 triệu, không đủ chi phí, phân bón, thuốc men và công thu hái”, ông Con ngậm ngùi chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, những năm trước do giá tiêu tăng liên tục, có lúc lên mức gần 200.000 đồng/kg, dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chuyển sang trồng tiêu nhưng do thấy lợi nhuận quá lớn, dễ làm giàu nhanh, nên nhiều bà con đổ xô chuyển sang trồng, thậm chí trên cả diện tích đất không phù hợp. “Đó chính là lý do dẫn đến năng suất thấp, dễ phát sinh sâu bệnh khi gặp mưa trái mùa. Thêm vào đó, gần 2 năm qua, giá tiêu lao dốc nên người dân ít đầu tư chăm sóc, làm các loại nấm bệnh tấn công. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên vì giá rẻ mà chặt tiêu, chuyển đổi ồ ạt sang trồng cây khác, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chỉ nên chuyển đổi những vườn tiêu trên đất quá trũng hoặc quá cao, năng suất kém sang cây trồng khác cho hợp lý và hiệu quả hơn”, ông Lộc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.