Tiêu chuẩn nghề nghiệp mới: làm việc linh hoạt

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
17/11/2024 06:29 GMT+7

Hiện người lao động có xu hướng dịch chuyển sang các loại hình công việc linh hoạt hơn và từ khu vực chính thức sang phi chính thức.

Bà Phạm Thị Châu, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự của Công ty TNHH V. (Q.7, TP.HCM), lấy ví dụ điển hình cho sự thay đổi lớn trong tư duy nghề nghiệp của người lao động (NLĐ) chính là độ gắn bó với doanh nghiệp (DN) không còn lâu dài như trước.

Tiêu chuẩn nghề nghiệp mới: làm việc linh hoạt- Ảnh 1.

NLĐ đọc thông tin tuyển dụng ở sàn việc làm Q.11, TP.HCM

ẢNH: THU NGÂN

Khi có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, không chỉ lao động phổ thông mà cả nhân viên văn phòng hay quản lý đều có xu hướng nghỉ việc để tìm những công việc linh hoạt hơn. "Do đó, các công ty làm dịch vụ lao động thuê ngoài đang phát triển mạnh và cạnh tranh gay gắt với công ty tuyển dụng truyền thống vì cung cấp cho NLĐ việc làm ngắn hạn, lương nhận hằng tuần hoặc hằng tháng với các công việc không ràng buộc hợp đồng dài hạn hay cố định", bà Châu nói và cho rằng những thay đổi này một phần đến từ các yếu tố thị trường và đặc trưng thế hệ lao động mới như Gen Z. Do đó, DN buộc phải điều chỉnh chiến lược nhân sự để đáp ứng nhu cầu thay đổi không ngừng của lực lượng lao động.

PV Thanh Niên ghi nhận nhiều trường hợp (bao gồm công nhân và người có trình độ đại học) cho thấy ngoài lương thì tất cả đều đặt tiêu chí "làm việc linh hoạt" lên hàng đầu. Đơn cử như chị Nguyễn Thị Tuyền (38 tuổi) mới đây đã nghỉ việc ở một công ty may tại Q.8 (TP.HCM) để lãnh bảo hiểm thất nghiệp và chờ rút BHXH 1 lần. Chị nói không muốn "chôn chân" 8 tiếng trong nhà máy với lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng nữa. Thay vào đó, chị sẽ chuyển sang làm tự do, làm nhiều công việc khác nhau để tăng thu nhập. Hay chị Trần Phương Trang (29 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, thạc sĩ công nghệ sinh học) cho hay đang học một lĩnh vực mới trong công nghệ sinh học là tin - sinh học để không phải lên phòng thí nghiệm mỗi ngày và bắt kịp xu thế mới của thị trường.

Theo Anphabe, "làm việc linh hoạt" hiện trở thành tiêu chuẩn mới trong thị trường lao động VN. Đặc biệt, đối với NLĐ thuộc thế hệ Gen Z, khoảng 30% mong muốn các DN có chính sách làm việc linh hoạt và 71% cho biết họ sẽ cân nhắc tìm công việc khác nếu DN không có chế độ này. Ngoài ra, khảo sát của Anphabe chỉ ra rằng có tới 53% nguồn nhân lực tri thức tại VN hiện tham gia vào nền kinh tế chia sẻ, trong đó có 14% là lao động tự do toàn thời gian; 26% là lao động tự do bán thời gian; 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài. Dự báo, tỷ lệ tham gia vào nền kinh tế chia sẻ sẽ còn gia tăng trong tương lai.

Cần "chính thức hóa" khu vực phi chính thức

Tại TP.HCM, có gần 2,6 triệu NLĐ đóng BHXH, chiếm hơn 53% trong tổng số 4,9 triệu NLĐ trong độ tuổi. Điều này cho thấy khoảng 47% còn lại rất có thể đang làm công việc phi chính thức, không ký hợp đồng lao động. Thách thức lớn nhất cho khu vực này chính là không nằm trong diện bao phủ an sinh xã hội của nhà nước, không tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, hay BHYT (một số chỉ có BHYT hộ gia đình). Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần triển khai các biện pháp hỗ trợ và "chính thức hóa" lao động phi chính thức để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, nâng cao năng suất lao động, và thu thuế hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.