Tiểu hành tinh sẽ va vào trái đất vào lễ tình nhân?

17/03/2023 20:14 GMT+7

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết xác suất một tiểu hành tinh mới được phát hiện, với sức mạnh có thể xoá sổ một thành phố, va vào trái đất vào năm 2046 đã giảm mạnh.

Tiểu hành tinh này được đặt tên là 2023 DW, được phát hiện lần đầu tiên bởi một đài quan sát nhỏ tại Chile vào ngày 26.2 và được ước tính có kích thước bằng một bể bơi tiêu chuẩn Olympic dài 50 m, AFP đưa tin. Theo dự báo, tiểu hành tinh có khả năng rơi xuống trái đất vào ngày lễ tình nhân 14.2.2046.

Tiểu hành tinh sẽ va vào trái đất vào lễ tình nhân? - Ảnh 1.

Mô phỏng tiểu hành tinh 2023 DW

NASA

Sau khi được phát hiện, 2023 DW nhanh chóng được ESA và NASA (Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ) xếp vào vị trí đầu danh sách các tiểu hành tinh gây nguy hiểm cho trái đất, dẫn đến sự xuất hiện của một loạt các bài báo với tiêu đề báo động quá mức. Một số cảnh báo những người yêu nhau hãy hủy bỏ kế hoạch Valentine của họ vào ngày 14.2.2046.

Cuối tháng 2, danh sách rủi ro của ESA cho thấy xác suất tiểu hành tinh này va vào trái đất là 1/847 (0,118%), nhưng tỷ lệ này đã tăng lên thành 1/432 (0,231%) vào ngày 12.3. Tuy nhiên, vào ngày 14.3, người đứng đầu Văn phòng bảo vệ hành tinh của ESA, ông Richard Moissl, chia sẻ với AFP rằng xác suất đã giảm xuống còn 1/1.584 (0,063%).

Ông nói: "Bây giờ, xác suất tiểu hành tinh 2023 DW rơi xuống trái đất sẽ giảm xuống sau mỗi lần quan sát và sẽ chạm mức 0 trong vài ngày tới. Ta không cần phải lo lắng quá nhiều về tiểu hành tinh này nữa".

Về phía NASA, vào ngày 14.3, cơ quan này đã giảm xác suất va chạm với tiểu hành tinh 2023 DW xuống còn 1/770, nghĩa là chỉ có 0,129% khả năng tiểu hành tinh này sẽ rơi xuống trái đất.

"Chúng tôi sẽ luôn cảnh giác, nhưng xác suất va chạm với hành tinh này chắc chắn có xu hướng giảm", ông Lindley Johnson thuộc Văn phòng bảo vệ hành tinh của NASA nói với AFP.

Ông Johnson cho biết tỷ lệ va chạm của các tiểu hành tinh mới được phát hiện tăng lên trong thời gian ngắn rồi lại giảm xuống nhanh chóng là điều bình thường. Ông lý giải rằng các quan sát mới đã thu hẹp "vùng không chắc chắn", là vùng mà tiểu hành tinh sẽ di chuyển đến điểm gần trái đất nhất, nên các con số sẽ có sự thay đổi. Cụ thể hơn là tỷ lệ va chạm tăng lên trong khoảng thời gian trái đất vẫn được tính nằm trong vùng nói trên. Các quan sát sau này đã loại trừ trái đất ra khỏi "vùng không chắc chắn" này, nên dự kiến xác suất va chạm với tiểu hành tinh vừa được phát hiện sẽ giảm xuống 0.

Tiểu hành tinh sẽ va vào trái đất vào lễ tình nhân? - Ảnh 2.

NASA ước tính chỉ có 0,129% khả năng tiểu hành tinh 2023 DW sẽ rơi xuống trái đất

ẢNH MINH HỌA: AFP

Điều gì sẽ xảy ra nếu tiểu hành tinh 2023 DW va vào trái đất?

Nhà khoa học Davide Farnocchia tại Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần trái đất của NASA cho biết một ví dụ tiêu biểu là sự kiện Tunguska: một tiểu hành tinh có kích thước tương tự như tiểu hành tinh 2023 DW được cho là đã phát nổ trong bầu khí quyển bên trên một khu vực dân cư thưa thớt ở khu vực Siberia vào năm 1908. Ông cho biết: "Vụ nổ đã san phẳng toàn bộ cây cối trên diện tích khoảng 2.000 km2", gần bằng diện tích TP.HCM (2.095 km2).

Ông Moissl nói rằng một tiểu hành tinh có kích thước tương đương 2023 DW sẽ chỉ tạo ra sự tàn phá cho một khu vực nhất định mà không gây ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của thế giới.

Tiểu hành tinh 2023 DW (với quỹ đạo quay quanh mặt trời) cách trái đất khoảng 9 triệu km trong lần tiếp cận gần nhất là vào ngày 18.2, vào một tuần trước khi nó được phát hiện. Theo các ước tính, nếu sự va chạm xảy ra vào năm 2046, vận tốc khi đó của tiểu hành tinh là khoảng 15 km/giây.

Ông Moissl cho biết nếu quả thật tiểu hành tinh rơi xuống trái đất, có khoảng 70% khả năng nó sẽ rơi xuống Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ, Úc hoặc khu vực Đông Nam Á cũng là những khu vực có khả năng cao bị rơi trúng.

Kế hoạch chuyển hướng tiểu hành tinh

Ngay cả khi tiểu hành tinh đang tiến dần về phía chúng ta, các chuyên gia nhấn mạnh rằng thế giới đã có được khả năng tự vệ trước một mối đe dọa lớn như vậy.

Vào năm 2022, trong lần thử nghiệm đầu tiên của hệ thống phòng thủ hành tinh, tàu vũ trụ DART của NASA đã được điều khiển đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos có kích thước bằng với kim tự tháp của Ai Cập, khiến tiểu hành tinh bị chệch quỹ đạo đáng kể.

NASA nói phi thuyền DART đổi hướng thành công tiểu hành tinh sau cú đâm "tự sát"

Nhà khoa học Farnocchia cho biết: "Nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép Dimorphos (DART) cho chúng tôi niềm tin rằng việc thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh 2023 DW cũng sẽ thành công nếu cần thực hiện".

Theo chuyên gia Moissl của ESA, với 23 năm là khoảng thời gian đủ dài để chuẩn bị cho một sứ mệnh lớn lao như vậy. Sứ mệnh Hera của ESA, dự kiến được tiến hành vào năm 2024 để kiểm tra thiệt hại mà tàu vũ trụ DART gây ra cho tiểu hành tinh Dimorphos, cũng có thể được thay đổi mục đích sang khảo sát 2023 DW nếu cần thiết, ông nói thêm.

Ông Moissl cho biết những kế hoạch như vậy sẽ không được phê duyệt cho đến khi xác suất va chạm vượt quá 1%. Khi đó, tiểu hành tinh này sẽ thu hút sự chú ý của các cơ quan của Liên Hiệp Quốc như Mạng lưới Cảnh báo các tiểu hành tinh quốc tế và Nhóm Cố vấn lập kế hoạch nhiệm vụ không gian (SMPAG).

Tuy nhiên, các cơ chế bảo vệ như vậy dường như không cần thiết cho tiểu hành tinh 2023 DW. "Mọi người nên thư giãn đầu óc, bỏ qua các tiêu đề giật gân và theo dõi xem mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào", chuyên gia Johnson của NASA khuyến cáo và nói thêm rằng bất kỳ mối đe dọa nào cũng có khả năng "bốc hơi" sớm. "Tuy nhiên, cộng đồng bảo vệ hành tinh vẫn sẽ luôn nâng cao cảnh giác", ông Johnson nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.