Sáng 23.10, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Báo cáo đề cập tới một số khiếu nại của cử tri liên quan đến việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Chậm 2 năm so với lộ trình đã hứa với cử tri
Trong số này, tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 Quốc hội khóa XV, cử tri nhiều địa phương (Nghệ An, Thanh Hóa, Cà Mau, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bến Tre…) phản ánh về việc từ năm 2021 đến nay, người chăn nuôi không được hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và đề nghị có chính sách hỗ trợ.
Kết quả giám sát cho thấy, từ năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Trong đó, năm 2019, cả nước phải tiêu hủy gần 6 triệu con lợn (tương đương 340.000 tấn), thiệt hại trên 13.200 tỉ đồng; năm 2020 phải tiêu hủy 86.462 con.
Để hỗ trợ người chăn nuôi, năm 2019 và 2020, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Từ năm 2021, dịch vẫn tiếp tục gây thiệt hại. Trong đó, năm 2021 phải tiêu hủy 279.910 con, năm 2022 tiêu hủy 60.554 con, năm 2023 (tính đến tháng 9) tiêu hủy 12.079 con. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ như các năm 2019 và 2020.
Tại kỳ họp thứ 3, trả lời cử tri về vấn đề trên, Bộ NN-PTNT cho biết đang khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và dự kiến trình Chính phủ ban hành vào quý 4/2022.
Thế nhưng hiện nay, khi trả lời khiếu nại cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, bộ này lại nêu sẽ trình Chính phủ ban hành vào quý 4/2024, tức là chậm 2 năm so với lộ trình đã hứa với cử tri. Trong khi đó, việc hỗ trợ thiệt hại cần được thực hiện kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Từ thực tế đã nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Hồ chứa nước xây 14 năm chưa xong
Một kiến nghị khác cũng được đề cập trong báo cáo giám sát, đó là cử tri tỉnh Thanh Hóa phản ánh về việc dự án hồ chứa nước bản Mồng (Nghệ An) chậm triển khai, ảnh hưởng trực tiếp đến 119 hộ dân với 430 nhân khẩu tại bản Thanh Sơn (xã Thanh Hòa, H.Như Xuân, Thanh Hóa). Người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn như không thể sửa chữa, xây dựng nhà cửa; sản xuất bị ảnh hưởng, hạ tầng không được đầu tư…
Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án hồ chứa nước bản Mồng là dự án thuộc nhóm A, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Dự án được xây dựng nhằm mục đích góp phần giải quyết nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, cấp nước tưới cho 18.871 ha cây trồng ven sông Hiếu; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả, cắt giảm lũ cho hạ du; đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45 MW.
Dự án khởi công từ năm 2010 nhưng còn nhiều vướng mắc nên đến nay chưa hoàn thành. Tính đến nay, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, bộ này đã hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó cập nhật diện tích phải thu hồi đất và kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 119 hộ dân tại bản Thanh Sơn.
"Sau 14 năm, dự án vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân như cử tri đã phản ánh. Vấn đề này cần được quan tâm khẩn trương giải quyết, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân", báo cáo nêu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện dự án nêu trên, giải quyết dứt điểm khiếu nại của cử tri.
Bình luận (0)