Tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam: Có đáng sợ như thế ?

01/02/2013 03:25 GMT+7

Một bài viết với nhiều chi tiết phóng đại về tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam của vị giáo sư báo chí Đại học Stanford (Mỹ) vừa sai về kiến thức chuyên môn lại kém về mặt nghiệp vụ.

Đó là nhận định của các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã hiện đang làm việc tại Việt Nam và nước ngoài. Theo các chuyên gia này, bài xã luận của Giáo sư (GS) Joel Brinkley (hiện đang giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford và từng đoạt giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer khi là phóng viên thường trú cho tờ New York Times) có nhiều chi tiết sai sự thật và rất dễ khiến công luận, đặc biệt là cộng đồng quốc tế, hiểu lệch lạc về tiêu thụ động vật hoang dã hiện nay tại Việt Nam.

 Ảnh chụp bài báo của GS Joel Brinkley trên trang web của nhật báo Chicago Tribune
Ảnh chụp bài báo của GS Joel Brinkley trên trang web của nhật báo Chicago Tribune

Trong bài viết Despite increasing prosperity, Vietnam's appetites remain unique (tạm dịch: Dù ngày một khấm khá, khẩu vị ở Việt Nam vẫn độc nhất vô nhị) trên tờ báo lớn Chicago Tribune hôm 29.1, GS Brinkley đã dùng rất nhiều những hình ảnh thậm xưng, phóng đại để miêu tả sở thích ăn chim trời, chuột, thịt chó của người dân theo khuynh hướng đánh đồng ở khắp Việt Nam ai ai cũng có khẩu vị và thú vui “quái dị” như thế. Bài viết bắt đầu như sau: “Bạn không phải tốn quá nhiều thời gian ở Việt Nam để nhận ra điều bất thường. Sẽ chẳng nghe tiếng chim hót; chẳng có cảnh sóc chuyền cành; không bao giờ thấy chuột chạy lúc nhúc quanh bãi rác. Chó cũng không được dắt đi dạo. Thực ra, bạn sẽ chẳng thấy con thú hoang hay thuần hóa nào ở đây đâu. Chúng đi đâu, về đâu? Ngạc nhiên chưa: hầu như con nào cũng bị xơi tái hết rồi”.

Vị GS này minh họa cho lập luận của mình bằng những quan sát: “Người dân ở đây ăn cả chim lẫn chuột. Hồi tháng 1 rồi ở Đà Nẵng, tôi thấy người bán hàng quán trên đường với những đĩa đầy chuột chết đem bán, lông cạo sạch sẵn sàng chế biến. Ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan hay Myanmar, bạn sẽ còn thấy được từng đàn chim trời, thú cưng trên trời và trên đường phố - nhưng những hình ảnh đó không còn ở Việt Nam nữa”.

Thiếu kiến thức

Giới chuyên gia bảo tồn ngay lập tức bác bỏ những lập luận của GS Brinkley và chỉ ra những lỗ hổng về kiến thức của ông. Tiến sĩ Naomi Doak, điều phối viên Chương trình sông Mê kông mở rộng - Đông Nam Á thuộc Tổ chức Bảo tồn quốc tế TRAFFIC, nói với Thanh Niên: “Tôi không đồng ý với rất nhiều lập luận của GS Brinkley về chim và chó tại Việt Nam. Chúng vẫn còn rất nhiều tại đây, chỉ có điều là chim ở trong lồng còn chó thì trở thành thú nuôi. Tôi không tin GS Brinkley đã nghiên cứu kỹ các nước khác trong khu vực và dành nhiều thời gian tại đó. Nếu đủ kiến thức, GS Brinkley sẽ không cho rằng chỉ mình người Việt Nam ăn thịt chuột và thịt chó luôn là món khoái khẩu tại đây”.

Một độc giả nước ngoài tên là Michael cũng đã có bài phản bác quan điểm của GS Brinkley trên blog cá nhân của mình: “Cái cách Brinkley miêu tả chỉ khiến cho người đọc nghĩ dân Việt lúc nào cũng lảng vảng trên đường, tấn công bất cứ thứ gì không phải là con người và ném chúng vào nồi, bất kể đó là con gì. Ông này thấy một người dân bán thịt chuột và làm như thể cả đất nước này đều như vậy. Trong suốt 2 năm rưỡi đi khắp Việt Nam, tôi chưa hề thấy cảnh tượng này và chưa hề quen một ai ăn thịt chuột”.

“Yếu nghiệp vụ”

Cái cách GS Brinkley chỉ dựa vào một số hiện tượng đơn lẻ mà đánh đồng cả bản chất của người Việt Nam cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ giới chuyên môn. TS Pamela McElwee, chuyên gia về môi trường Việt Nam của Đại học Rutgers (Mỹ), nhận định với Thanh Niên: “GS Brinkley có một lỗi lớn là đánh đồng việc thực thi luật pháp trong việc bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam với quan điểm cá nhân của mình. Ông này có thể không thích ăn thịt chuột hay thịt chó, nhưng đó là một nét văn hóa đặc trưng ở từng nước. Ví dụ như ở Pháp người ta có thể ăn thịt ngựa nhưng ở Mỹ thì không. Nhưng cho dù có là như vậy thì cũng không ai có quyền chỉ dựa vào đó mà lên án cả tính cách của một dân tộc”.

TS McElwee nói tiếp: “Vấn đề tiêu thụ động vật hoang dã mang tính toàn cầu và Việt Nam là một trong những nước cần phải giải quyết nó. Thực ra, theo TRAFFIC, thị trường Mỹ và châu u mới là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho một số loại động vật hoang dã lớn, chẳng hạn như buôn bán thú nuôi hoang dã. Nhưng đâu phải chỉ vì vậy mà tôi có quyền phán xét về “tính cách” của cả nước Mỹ hay châu u”.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm trong công cuộc bảo vệ động vật hoang dã. Trong bản báo cáo đầu tiên của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) về việc bảo vệ tê giác, hổ và voi tại 23 quốc gia châu Á và châu Phi công bố hồi tháng 7.2012, Việt Nam cũng được nhận định là dẫn đầu về buôn bán động vật hoang dã. Giới chuyên gia đồng tình với GS Brinkley ở nhận định việc buôn bán tràn lan động vật hoang dã đang đẩy các loài thú quý hiếm khác như hổ, voi đến bờ vực tuyệt chủng. Tuy vậy, cái cách ông diễn giải bản báo cáo của WWF cũng có vấn đề. GS Brinkley viết: “Tổ chức WWF miêu tả Việt Nam như là kẻ thủ ác số một đối với động vật hoang dã”. TS McElwee lập tức phản bác: “Ông này cường điệu quá đà. WWF làm gì có ý như vậy”.

Bà McElwee đúc kết về nghiệp vụ của vị GS báo chí và nhà báo danh tiếng như sau: “Quy chụp cả đất nước Việt Nam “có khuynh hướng hung hăng” dựa trên những nhận xét sai lầm (các nước khác ở Đông Nam Á không gặp vấn đề nào về động vật hoang dã), những câu chuyện nghe kể lại (chó thỉnh thoảng bị ăn cắp bán cho quán ăn), tin vào những hiện tượng tâm lý tầm phào (ăn thịt làm người ta hung hăng hơn). Làm báo như vậy thì yếu về nghiệp vụ quá”. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, GS Brinkley khẳng định: “Tôi bảo lưu quan điểm về những gì mình viết ra. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về các nước trong khu vực. Chính những ai phê phán và lên án bài viết của tôi mới là quá khích”.

Trong bài viết trên blog cá nhân của mình, độc giả Michael nói trên khẳng định: “Đây là bài viết về Việt Nam tệ nhất mà tôi từng đọc. Lệch lạc và đầy xúc xiểm. Thật bất mãn khi một nhà báo danh tiếng lại đứng tên một bài viết như thế; nhưng có lẽ còn tệ hơn nữa là một ấn phẩm cũng lớn không kém lại cho đăng bài viết đó”.

Theo nguồn tin của Thanh Niên, một số sinh viên Việt Nam tại Đại học Stanford (nơi GS Joel Brinkley giảng dạy) đang có kế hoạch thảo một bức thư phản hồi về bài viết gửi đến GS Joel Brinkley cũng như thu thập các chữ ký phản ứng với bài báo này.

An Điền

>> VN - Indonesia tăng cường bảo vệ động vật hoang dã
>> Vì động vật hoang dã
>> Thả động vật hoang dã về rừng
>> Lãnh án tù vì mua bán động vật hoang dã
>> VN yếu kém trong bảo vệ động vật hoang dã
>> Thêm một trạm cứu hộ động vật hoang dã
>> Điều tra vụ sát hại động vật hoang dã
>> Lâm Đồng có 484 cơ sở nuôi động vật hoang dã

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.