Tiếp xúc du khách quốc tế hằng ngày, nhiều tiểu thương chợ Đông Ba (TP.Huế) phải trang bị cho mình vốn ngoại ngữ cần thiết để thuận tiện cho việc bán buôn.
Du khách quốc tế tại chợ Đông Ba (TP.Huế) - Ảnh: Tuyết Khoa |
Nói được nhiều thứ tiếng
Vừa bước chân vào chợ, tôi đã thấy chủ một lô hàng lưu niệm đang trò chuyện rất thành thạo với một du khách Pháp. Đó là ông Philippe Laffière, đang được chủ lô hàng giới thiệu về chiếc nón lá VN. Ông Philippe Laffière nói: “Tôi thực sự ngạc nhiên. Các chị đó nói tiếng Pháp rất khá. Tuy xét về mặt cấu trúc thì chưa đúng nhưng chúng tôi vẫn hiểu tốt”. “Không biết ngoại ngữ thì làm sao mà bán hàng. Chí ít thì cũng phải biết tiếng Anh”, chị Thu, chủ một của hàng lưu niệm khẳng định.
“Ngày ngày tiếp xúc và nói với người nước ngoài, thành ra mình biết nói lúc nào không hay. Ban đầu cũng ngại lắm, nói tiếng được tiếng mất, quơ tay quơ chân. Rồi những lúc vắng khách, mấy chị em trong chợ nói qua nói lại với nhau, cũng nhanh nhớ mà vui nữa”, chị Lan, chủ một của hàng quần áo cho biết.
Đa số chị em không qua một trường lớp nào. Họ tự học với nhau, nói với khách rồi thành quen và càng ngày nói càng tốt. Ở chợ cũng có một số tiểu thương từng học hết phổ thông, cao đẳng hay đại học. Vốn từ có từ thời ngồi cắp sách cộng với thực tiễn giao tiếp hằng ngày, nên họ nói tiếng Anh rất tốt. Chị Trần Thị Thu Hương, chủ một của hàng đặc sản Huế, là một người nổi tiếng nói ngoại ngữ giỏi, đặc biệt là tiếng Pháp.
Chị Hương từng tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành tiếng Pháp vào năm 2000. Ngoài ra chị còn học thêm nghiệp vụ du lịch. Chị được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế vào năm 2001. Nhưng do hoàn cảnh gia đình nên chị phải tiếp quản cửa hàng của mẹ mình tại chợ Đông Ba. Cửa hàng của chị là nơi nhiều hướng dẫn viên muốn đưa đoàn mình ghé thăm. Vì đến đây, họ sẽ có thêm chị Hương hỗ trợ, giới thiệu một cách chuyên nghiệp với khách về đặc sản Huế và nhiều thứ khác. “Những khi ế ẩm, chúng tôi vẫn thường đến quầy chị Hương để hỏi thêm tiếng Pháp. Rồi những khi đang bán hàng mà không biết nói như thế nào thì nhờ chị ấy đến nói giúp”, chị Hiền, chủ một tiệm ăn nói.
“Rất nhiều tiểu thương ở chợ Đông Ba thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp, tiếng Thái và tiếng Anh. Bởi đa số khách đến đây chủ yếu từ ba nước này. Tuy đa số chỉ biết nói mà không biết viết, nhưng vốn từ của nhiều chị em tiểu thương không hề ít”, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Trưởng BQL chợ Đông Ba, cho biết.
Quảng bá Huế ra quốc tế
|
Có thể nói, chợ Đông Ba tập trung đầy đủ nhất những tinh túy văn hóa vật chất của Thừa Thiên-Huế như: nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh Tâm, hàng mã hoa giấy làng Sình… Không chỉ thế, đây cũng là nơi hội tụ nhiều món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè sen...
Đến chợ Đông Ba, khách du lịch có thể tham quan, mua sắm tất cả các món đặc sản, hàng lưu niệm... của Huế. Anh Nguyễn Hữu Đức, một hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn người Pháp vào chợ Đông Ba, nói: “Sau khi thăm đại nội, lăng tẩm... các đoàn du lịch thường ghé chợ Đông Ba để tham quan và mua sắm. Ở đây, du khách sẽ biết được rất nhiều đặc sản Huế. Những món hàng lưu niệm của Huế thường được các chị em tiểu thương và chúng tôi giới thiệu cụ thể. Đây cũng là cách để du khách quốc tế biết nhiều hơn về Huế”.
Đối với những khách du lịch tự do, không tour tuyến, không hướng dẫn viên, khi đến đây, họ sẽ được chị em chỉ vẽ và giới thiệu các đặc sản, quà lưu niệm một cách tận tình, chi tiết. Chị Mylène Kaas, du khách Pháp, kể: “Đây là lần thứ hai đến Huế và lần nào tôi cũng ghé chợ Đông Ba. Một số chị bán hàng ở đây giới thiệu đặc sản vùng miền không thua kém gì hướng dẫn viên du lịch”.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, chợ Đông Ba nằm ngay trung tâm thành phố, hội đủ mọi thành phần xã hội. Du khách đến đây không chỉ mua sắm mà còn biết nhiều về phong tục, tập quán con người Huế. Nó là điểm đến hấp dẫn cho nhiều đoàn quốc tế. Có thể nói, đây cũng là một trong những nơi “vô tình” quảng bá Huế ra thế giới. Mà tiểu thương của chợ là một trong những người nối nhịp cầu đó.
Tuyết Khoa
Bình luận (0)