(TNO) Tiểu thuyết gia Chinua Achebe (Nigeria) vừa từ trần ở tuổi 82 tại Boston (Mỹ), theo Reuters ngày 22.3 (giờ địa phương).
Chinua Achebe (sinh ngày 16.11.1930) là một tiểu thuyết gia, nhà thơ, người làm truyền hình và giảng viên đại học. Ông được xem là thước đo chuẩn mực dùng để đánh giá nhiều thế hệ nhà văn châu Phi. Tác phẩm của Achebe cũng được dùng để giới thiệu về sức hấp dẫn của văn chương cho trẻ em trên khắp châu Phi trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Achebe là Things fall apart (xuất bản năm 1958) miêu tả cuộc sống của Okonkwo, một nhà lãnh đạo và một chiến binh ở Umuofia, một ngôi làng hư cấu thuộc Nigeria, nơi sinh sống của người Igbo. Qua đó, tác giả nói đến những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân Anh và những người truyền giáo đối với dân địa phương.
Đây là lần đầu tiên câu chuyện về chủ nghĩa thực dân châu u được kể với độc giả toàn cầu từ quan điểm của một người châu Phi. Cuốn sách được dịch sang 50 ngôn ngữ và bán được hơn 10 triệu bản trên toàn thế giới. Things fall apart cũng được xem là cuốn sách châu Phi được nhiều người đọc nhất.
Một cuốn sách khác của Achebe cũng gây được tiếng vang lớn là Anthills of the Savannah (xuất bản năm 1987) nói về một cuộc đảo chính ở một đất nước châu Phi hư cấu, nơi chính quyền bị phá hỏng, nhà nước câm lặng và mất hết lòng can đảm.
Năm 1972, Abeche chuyển đến sống ở bang Massachusetts (Mỹ) và từ đó định cư ở Mỹ, ít khi về lại Nigeria. Tuy nhiên, theo Reuters, nỗi đau từ cái chết Achebe được cảm nhận trên khắp đất nước Nigeria lẫn châu Phi, đặc biệt là ở Igbos quê hương ông, thuộc miền đông nam Nigeria.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan nói trong một tuyên bố: “Giáo sư Achebe sẽ sống mãi trong trái tim của các thế hệ hiện tại và tương lai thông qua các tác phẩm tuyệt vời của ông”.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cũng bày tỏ nỗi đau buồn trước cái chết của Achebe, vị Tổng thống gọi ông là “người khổng lồ của văn học châu Phi”.
Cựu Tổng thống Nelson Mandela, người từng đọc tác phẩm của Achebe trong thời gian ông bị cầm tù, gọi Achebe là người “mang châu Phi tới hội ngộ với các châu lục khác trên toàn thế giới” và là “nhà văn trong nhóm người đánh sập các bức tường nhà tù.”
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Achebe từng nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Man Booker International danh giá vào năm 2007. Trong nhiều năm, độc giả tin rằng ông sẽ được trao giải Nobel văn chương mặc dù thực tế ông đành lỗi hẹn với giải thưởng này.
Thùy Dung
>> Hội Nhà văn giải thích về bằng khen văn chương
>> Cuộc đua Nobel Văn chương 2012
>> Văn chương chống “đói sử”
>> Xuất khẩu văn chương Việt
>> Văn chương nối hai bờ đối nghịch
>> Tiểu thuyết gia Patricia Cornwell thắng kiện gần 51 triệu USD
>> Kỳ thú cổ vật - Tượng người châu Phi lõa thể ở Việt Nam
>> One Direction xúc động khi thăm trẻ em châu Phi
>> Quân đội Mỹ có khả năng can thiệp sâu vào châu Phi
>> Cần tìm kiếm hợp đồng bán gạo cấp chính phủ với châu Phi
>> Cấm xuất, nhập khẩu mẫu vật tê giác và voi châu Phi
>> Ủy ban Liên minh châu Phi có nữ chủ tịch đầu tiên
>> Chinh phục ngọn núi cao nhất châu Phi bằng hai tay
Bình luận (0)