Tiêu tiền kiểu... phim bom tấn Hollywood

25/02/2016 06:11 GMT+7

Để phục vụ những cảnh quay tại VN, đoàn làm phim bom tấn Kong: Skull Island phải huy động hàng trăm người, vận chuyển hàng chục tấn thiết bị từ nước ngoài vào.

Để phục vụ những cảnh quay tại VN, đoàn làm phim bom tấn Kong: Skull Island phải huy động hàng trăm người, vận chuyển hàng chục tấn thiết bị từ nước ngoài vào.

Trực thăng quay cảnh trên không của đoàn phim - Ảnh: Huê MinhTrực thăng quay cảnh trên không của đoàn phim - Ảnh: Huê Minh
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 21.2, một số phóng viên đã đặt câu hỏi về nguồn kinh phí thực hiện nhưng đoàn phim đã từ chối trả lời. Tuy nhiên, thông tin chúng tôi nắm được thì tổng mức đầu tư của hãng phim khoảng 160 triệu USD, dự kiến dự án này chi tiêu tại VN trên dưới 10%. Thực sự đây là con số “khủng”.
Đoàn xe hàng chục chiếc
Để thực hiện một vài cảnh quay với thời lượng không dài và số lượng diễn viên không nhiều (chỉ tầm 6 người) nhưng đoàn huy động một số lượng phương tiện, nhân lực khổng lồ. Gần như toàn bộ đạo cụ, thiết bị, vật liệu tạo hiệu quả đặc biệt như máy móc, trực thăng... với tổng trọng lượng hàng chục tấn đều được đưa từ nước ngoài vào. Đến VN, đoàn thuê hàng chục chiếc xe container, xe tải lớn nhỏ vận chuyển thiết bị từ Hà Nội và một số nơi khác di chuyển đến các địa điểm quay. Nhiều xe khách loại lớn cũng được thuê đến phim trường và cải tạo lại để thích hợp cho nhu cầu sử dụng. Một công ty vệ sinh ở Từ Liêm (Hà Nội) được thuê vào Quảng Bình 10 ngày phục vụ đoàn, có đến 2 container chở nhà vệ sinh công cộng vào đặt rải rác trong khu vực phim trường.
Các nhân vật VIP của đoàn như dàn diễn viên ngôi sao: Samuel L.Jackson, Brie Larson, Tom Hiddleston... và đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được đưa đón riêng bằng xe Dcar Limousine từ khi đặt chân xuống VN. Số xe này được thuê ở Hà Nội và TP.Đồng Hới. Trên phim trường có khoảng gần 300 người, trong đó gần một nửa là người của đoàn phim.
Tại những nơi làm phim trường, đoàn phim đều đền bù thỏa đáng cho người dân. Ông Cao Quang Bắc, Trưởng thôn Yên Phú ((xã Trung Hóa, H.Minh Hóa), cho biết: “Khi đến thôn, bất cứ những ảnh hưởng hư hại gì đều được đoàn làm phim đền bù, hỗ trợ xứng đáng; người dân cảm thấy hài lòng, phù hợp. Và mọi người trong đoàn rất thoải mái, niềm nở. Chưa hết, đoàn còn hỗ trợ tổng cộng 96 triệu đồng để người dân không thả rong trâu, bò trong 3 ngày”. Còn ở Tân Hóa, đoàn đền bù gần 2 ha đất làm lạc, ngô của 23 hộ dân. Các hộ này không phải trồng trọt nhưng vẫn được đền bù giá nông sản thành phẩm thu hoạch… Để quay cảnh tại Tân Hóa (H.Minh Hóa), một con đường dẫn vào phim trường dài khoảng 3 km được mở rộng làm mới, rải đá dăm, kinh phí gần 2 tỉ đồng.
Một bãi xe tại phim trường ở Tân Hóa
Lọt vào phim trường
Đoàn phim rất kín tiếng và họ yêu cầu những đối tác VN cũng không được hé nửa lời với bất kỳ ai khác. Thế nên, việc vào phim trường đối với bất cứ ai, kể cả phóng viên là điều không tưởng. Khó một ai có thể lọt qua tầng tầng lớp lớp đội ngũ bảo vệ phim trường gồm cả lực lượng công an và bảo vệ tư nhân.
Ngày 24.2, PV Thanh Niên được chọn vào danh sách đoàn 8 người của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vào thăm phim trường tại Tân Hóa. Đây là cơ hội duy nhất để lọt vào phim trường. Ông Gregg Brilliant (đại diện truyền thông của đoàn phim) cho biết: “Mặc dù trời mưa lạnh nhưng đoàn vẫn làm việc bình thường và vô tình trời mưa đã tạo nên những cảnh quay rất đẹp. Đoàn phim cũng muốn mời lãnh đạo tỉnh vào xem phim trường để biết thực tế công việc như thế nào, nó không ảnh hưởng đến cảnh quan và không nguy hại đến môi trường thiên nhiên”.
Vào trong phim trường, chúng tôi thực sự choáng ngợp bởi 2 bãi xe rộng với hàng chục chiếc to nhỏ. 1 bãi nằm ở phía ngoài, nơi có nhà bếp, nhà ăn lớn; 1 bãi nằm ngay trước suối cắt ngang lối lên hang Chuột, bãi này có nhiều xe thùng kín cỡ bự được gia cố, cải tạo thùng thành xe chuyên dụng để chứa những thiết bị quan trọng như đạo cụ, hiệu ứng… Ông Gregg Brilliant cho hay, có 4 nhóm quay phim, 2 nhóm quay ở hiện trường dưới suối, 1 nhóm quay cảnh quan xung quanh, 1 nhóm quay trên không bằng trực thăng đang đỗ ở Phong Nha, khi thời tiết tốt sẽ bay để quay.
Ở khu vực dưới suối, mặc cho trời mưa rét, hàng chục người đang cặm cụi vận chuyển, lắp đặt các tiểu cảnh. Một phần đuôi máy bay thật đã được đặt bên mép suối. Chúng tôi thấy các nam diễn viên trong trang phục quân dụng, họ che mưa bằng ô; đứng gần đó có một người được choàng trùm kín từ đầu xuống để chống rét chờ cảnh diễn tiếp, có lẽ đó là Brie Larson...
Trưa cùng ngày, chúng tôi được đoàn phim mời cơm tại phim trường trong một nhà ăn bằng rạp bạt lớn. Khi chúng tôi vào, các đầu bếp người nước ngoài và người Việt bắt đầu nướng những thớ thịt lớn. Tất cả người trong phim trường đều ăn ở đó và chúng tôi khá ngạc nhiên vì bữa ăn chẳng khác gì một tiệc buffet ở khách sạn hạng sang với đầy đủ món Việt lẫn Mỹ. Trong đó có những càng cua “khủng” mà nhiều người chưa bao giờ thấy.
Kết thúc bữa cơm, chúng tôi ra về với những cái bắt tay chặt, nụ cười tươi và lời chào hẹn gặp lại từ các thành viên đoàn phim. Quá quy mô, quá chi tiết và bài bản, đó là cảm nhận chung của chúng tôi sau khi tham quan phim trường.
Năm 2001, khi thực hiện các cảnh quay phim Người Mỹ trầm lặng (kinh phí lúc đó là 30 triệu USD) ở khu vực trước Nhà hát Thành phố, đoàn phim Hollywood này đã thương lượng để sơn lại phần mặt tiền một số cửa hàng ở đường Đồng Khởi nhằm tái hiện bối cảnh Sài Gòn những năm đầu thập niên 1950. Đoàn cũng đã đền bù thỏa đáng cho những cửa hàng phải đóng cửa trong những ngày đoàn phim ghi hình, có cửa hàng nhận được tới 10 triệu đồng/ngày.
Xuyên Vân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.