Theo Bloomberg, ứng dụng video nổi tiếng này đang hy vọng sẽ tái lập thành công của người anh em Douyin thu về 26 tỉ USD giao dịch thương mại điện tử chỉ trong năm đầu tiên hoạt động. TikTok đã bắt đầu làm việc với các thương gia ở nhiều thị trường về cách họ có thể bán sản phẩm trực tiếp cho hàng triệu người dùng trong ứng dụng.
Mặc dù TikTok đã thực hiện các chiến dịch mua sắm khuyến mại trong quá khứ, nhưng các thử nghiệm hiện tại là tiền đề cho sự ra mắt rộng rãi hơn của dịch vụ thương mại điện tử toàn cầu. Mẫu thử nghiệm cho đến nay chỉ được hiển thị cho những người tham gia được chọn và vẫn chưa biết khi nào công ty sẽ bắt đầu ra mắt chính thức. Đại diện của Hype, một trong những thương hiệu thử nghiệm đầu tiên xác nhận sự hiện diện trong Tiktok. Cửa hàng của Hype trong tài khoản TikTok trưng bày nhiều loại hàng hóa với hình ảnh và giá cả của sản phẩm.
ByteDance đang tích cực tham gia vào đấu trường thương mại điện tử Trung Quốc trị giá 1.700 tỉ USD với hy vọng tăng trưởng lớn trước đợt chào bán công khai. Công ty đặt mục tiêu xử lý hơn 185 tỉ USD thương mại điện tử hằng năm vào năm 2022, dựa trên khả năng tiếp cận của các trang mạng xã hội TikTok và Douyin. Không giống như các đối thủ Trung Quốc khác như Alibaba Group Holding hoặc Tencent Holdings, các ứng dụng của ByteDance cũng có lượng người dùng toàn cầu rộng lớn và người đồng sáng lập Zhang Yiming muốn sử dụng điều đó làm bàn đạp cho thương mại trực tuyến.
Động thái này diễn ra khi những gã khổng lồ mạng xã hội trên toàn thế giới đang tranh giành thị phần bán lẻ trực tuyến, một phân khúc sẽ tạo ra doanh thu 5.000 tỉ USD trong năm nay, theo dự đoán của eMarketer. Tháng 5 năm ngoái, Facebook giới thiệu các công cụ mới để cải thiện trải nghiệm mua sắm trên nền tảng của mình cũng như ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram và Pinterest cũng đã lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử bằng cách chuyển người mua đến các trang web của người bán.
Bình luận (0)