Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Thoại, Giám đốc Công ty Long Hải Long - doanh nghiệp đưa 122 ngư dân đảo Phú Quý (Bình Thuận) đi Philippines, trình bày: ông ký hợp đồng ủy thác với 7 thuyền trưởng của 7 tàu cá ngay tại… nhà ông (ở Bến Vân Đồn, Q.4, TP.HCM). Mỗi tàu đã nộp cho ông 23.000 USD và mỗi ngư dân cũng đã nộp 200 USD để làm lệ phí. Sau đó, ông Thoại ký với Tập đoàn Preiere International Interfishing CORP (PII.Cop, Philippines) để đưa 7 tàu cá và 122 ngư dân sang đánh bắt cá tại tỉnh Palawan. Ông Thoại cho biết: “Tôi được ông Kho To Min (đại diện của PII.Cop ký hợp đồng với Long Hải Long đưa ngư dân sang Philippines - PV) cấp phép 20 tàu đi sang Philippines đánh cá. Nhưng lần đầu mới làm thủ tục cho 7 tàu. Ngày 28.5 bắt đầu tiến vào vùng biển Philippines. Đến 9 giờ sáng ngày 30.5 thì hay tin 7 tàu cá và 122 ngư dân đã bị tạm giữ". Ông Thoại cho biết thêm: “Doanh nghiệp của tôi mới thành lập ngày 4.9.2010, không có chức năng đưa người ra nước ngoài".
|
Ông Hoàng Đình Yên, Phó cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định: “Việc đưa tàu sang Philippines đánh cá của anh Thoại là bất hợp pháp”.
Cần thuê luật sư bảo vệ ngư dân
Tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Trung, đại diện Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cho hay Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm cho Đại sứ quán VN rằng 7 tàu cá này là của Malaysia (có treo cờ của Malaysia) chứ không phải Philippines. Thế nhưng, ông Thoại lại cho rằng: “7 tàu này được sơn màu cờ của Philippines ngay từ đảo Phú Quý”.
Cũng theo ông Trung, trong vụ việc này, chính Kho To Min mới là người có tội, vì ông ta biết luật pháp Philippines không cho tàu cá nước ngoài vào đánh cá nhưng vẫn đưa ngư dân VN đến đây.
Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT cần khẩn trương thuê luật sư của Philippines để bảo vệ ngư dân trong phiên xét xử vào ngày 24.8 tới và đề nghị Công ty Long Hải Long phải có trách nhiệm lo toàn bộ chi phí. Về trách nhiệm của địa phương, ông Phương nói: "Để ngư dân lâm vào tình cảnh này, một phần do ý thức chấp hành pháp luật của họ còn kém. Sau đó còn có trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là chính quyền huyện đảo Phú Quý, ngành NN-PTNT, bộ đội biên phòng và công an...".
Ông Phương nhấn mạnh: "Bây giờ phải làm sao để giảm tối thiểu hình phạt, đưa ngư dân về nước là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta".
Quế Hà
Bình luận (0)