Tìm giải pháp ứng phó trước nguy cơ TP.HCM bị sụt lún

09/11/2024 06:09 GMT+7

Các chuyên gia nêu 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún ở TP.HCM gồm: nền địa chất yếu, mật độ xây dựng cao, hoạt động giao thông và khai thác nước ngầm quá mức.

Ngày 8.11, Trường ĐH TN-MT TP.HCM tổ chức hội thảo về thực trạng vấn đề sụt lún và ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế bền vững tại TP.HCM.

Lún nền đất ở TP.HCM tăng gấp đôi so với mực nước biển dâng

Trong phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường ĐH TN-MT TP.HCM, viện dẫn một nghiên cứu hồi tháng 4.2024 chỉ ra TP.HCM xếp thứ 2 trong 10 đô thị ven biển trên toàn thế giới về tốc độ "chìm dần" do lún mặt đất. Khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng cho thấy tình trạng sụt lún nền đất ở TP.HCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy khoảng 100 cm. Tốc độ lún hiện từ 2 - 5 cm/năm, những khu vực tập trung nhiều công trình thương mại thì tốc độ lún khoảng 7 - 8 cm/năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm).

Tìm giải pháp ứng phó trước nguy cơ TP.HCM bị sụt lún
- Ảnh 1.

Tình trạng ngập lụt, sụt lún ảnh hưởng đến đời sống người dân TP.HCM

Ảnh: Nhật Thịnh

Ngoài ra, một nghiên cứu của Trường ĐH TN-MT TP.HCM dựa trên xử lý chuỗi số liệu từ năm 2006 đến nay xác định được những khu vực có tốc độ sụt lún đất cao và bước đầu tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng sụt lún tại TP.HCM và ĐBSCL. "Sụt lún đất kết hợp với triều cường và mực nước biển dâng gây nguy cơ TP.HCM ngày càng "chìm dần" và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của thành phố", PGS-TS Huỳnh Quyền lo ngại.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết sụt lún là vấn đề được lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm trong bối cảnh địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Để có giải pháp ứng phó hiệu quả, bà Mỹ cho rằng cần lắng nghe các ý kiến đa chiều, có dữ liệu đầy đủ, dự báo chính xác về khu vực sụt lún để thông tin kịp thời đến các đối tượng chịu ảnh hưởng, giảm thiểu rủi ro. Riêng tình trạng ngập nước, lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM dẫn chứng các khu dân cư mới, nhà cao tầng có cảnh quan đẹp, chất lượng cuộc sống tốt nhưng các khu vực xung quanh lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn. "Nhà xây sau cao hơn nhà xây trước, vậy cần có cốt nền chuẩn cho các khu vực phát triển tương đồng", bà Mỹ nói thêm.

Theo số liệu quan trắc của Bộ TN-MT năm 2019, một số vị trí có độ lún lớn trong giai đoạn 2005 - 2017, gồm: P.An Lạc, P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân) lún gần 82 cm và TT.Tân Túc (H.Bình Chánh) lún gần 49 cm. Còn nếu tính trên phạm vi toàn TP.HCM, diện tích vùng lún nhanh trên 15 mm/năm là 14.775 ha, vùng lún tương đối nhanh từ 10 - 15 mm/năm là 22.331 ha và vùng lún trung bình từ 5 - 10 mm/năm là 29.560 ha. So với giai đoạn năm 1996 - 2014, khu vực Q.8, Q.12 và H.Bình Chánh vẫn tiếp tục lún, đồng thời xuất hiện nhiều vùng lún mới ở các huyện: Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và các quận: 6, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh.

Dự án chống ngập ‘đắp chiếu’, nhà thầu chịu lãi hàng tỉ đồng mỗi ngày

Cần ràng buộc trách nhiệm dự án cao tầng

Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia nêu 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún ở TP.HCM gồm: nền địa chất yếu, mật độ xây dựng cao, hoạt động giao thông và khai thác nước ngầm quá mức.

PGS-TS Lê Trung Chơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (thuộc Trường ĐH TN-MT TP.HCM), dẫn chứng các khu dân cư cao tầng dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) không gây sụt lún cho chính khu vực đó mà tác động đến các khu xung quanh. Lý do là công trình xây dựng trên kết cấu cứng, khu vực xây công trình bị bê tông hóa, nước không thấm xuống được nữa gây ra áp lực nước lỗ rỗng. Hiện tượng này cùng với việc nước mưa chảy tràn ra khu vực xung quanh gây ra tình trạng sụt lún mặt đất.

"Muốn phát triển bền vững thì phải có sự công bằng. Đường Nguyễn Hữu Cảnh nâng lên để giải quyết ngập cho 2 khu dân cư xung quanh, vậy các tuyến đường lân cận thì sao?", PGS-TS Lê Trung Chơn phân tích, đồng thời cho rằng khi phát triển dự án cao tầng cần đánh giá kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu tác động đến các khu vực xung quanh và những người yếu thế. Về tác động giao thông, chuyên gia nhận định hoạt động giao thông tác động không đáng kể đến tình trạng sụt lún ở TP.HCM, ngoại trừ đường Nguyễn Văn Linh có nhiều xe container qua lại. Tuy nhiên, trong tương lai khi các tuyến metro vận hành sẽ tạo rung chấn, tác động lên nền đất xung quanh, dẫn đến sụt lún giống như TP.Bắc Kinh (Trung Quốc) hiện nay.

Trước những thách thức sụt lún và ngập lụt đô thị, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Kinh tế tuần hoàn ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng TP.HCM cần gia tăng hạ tầng xanh, không gian chứa nước để thích ứng thay vì chỉ tập trung vào hệ thống thoát nước để chống ngập. Mặt khác, việc thiết kế hạ tầng cấp thoát nước dựa trên dữ liệu lượng mưa, triều cường và sụt lún theo quy chuẩn hiện nay thì khó có thể đáp ứng được. Ông khuyến nghị trong các phân khu chức năng cần bổ sung mảng xanh, gắn kết các công viên, coi đây là một khu vực có chức năng chống ngập. PGS-TS Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm đầu tư mảng xanh trong các dự án bất động sản, nhà ở thương mại còn nhà nước chỉnh trang đô thị các dự án cải tạo kênh rạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.