Con dúi, thuộc loài chuột chũi trụi lông và hầu như sống trong cảnh mù lòa trong lòng đất ở đông Phi, từ lâu được các nhà nghiên cứu xem là kỳ tích của tự nhiên vì năng lực sinh tồn vượt trội hầu như mọi loài.
Loài sinh vật răng to, mắt nhắm tịt và thuộc loài có vú máu lạnh, được trời phú năng lực miễn dịch trước tác động của a xít hoặc ớt (không cảm thấy đau), có thể sống sót trong tình trạng thiếu dưỡng khí suốt 18 phút và sống lâu gấp 9 lần các loài chuột có kích thước tương đương (hơn 30 năm), đánh bại quy luật lão hóa.
Con dúi hiếm khi mắc ung thư, và đây cũng chính là đặc điểm thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các đội ngũ chuyên gia trên toàn thế giới suốt nhiều năm qua.
Các cuộc nghiên cứu trước đó kết luận năng lực chống ung thư của loài chuột này đến từ các tế bào miễn dịch trước nguy cơ chuyển hóa thành tế bào ung thư.
Trong báo cáo mới, các chuyên gia của Đại học Cambridge lần đầu tiên phát hiện những gien gây ung thư ở các loài chuột khác cũng có thể biến tế bào con dúi thành tế bào ung thư.
Tuy nhiên, bí quyết giúp loài dúi tránh được nguy cơ ung thư chính là hệ thống tế bào phức tạp và các phân tử bao quanh tế bào ở loài này, bao gồm hệ miễn dịch.
Đội ngũ nghiên cứu cho rằng nhờ vào sự tương tác của hệ thống tế bào đặc trưng của con dúi giúp nó ngăn chặn được các tế bào mắc ung thư giai đoạn đầu phát triển thành khối u ác tính, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
Tiến sĩ Walid Khaled, một trong các tác giả của báo cáo, cho biết: “Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước kết quả trên, và những thông tin thu được hoàn toàn thay đổi sự hiểu biết của con người về năng lực kháng ung thư ở loài dúi”.
Chuyên gia này cho hay nếu khám phá được cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch ở loài gặm nhắm trên, có lẽ con người sẽ tiến gần mục tiêu ngăn chặn ung thư ở người.
Bình luận (0)