Sáng 16.3, tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN về quy định chi tiết điều 27, điều 34 của luật MTTQ VN về hình thức giám sát và phản biện xã hội.
Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Ngô Sách Thực cho biết mặc dù luật MTTQ VN đã quy định về trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động giám sát, nhưng chưa có quy định rõ về cơ chế, thời gian thực hiện, cũng như giá trị pháp lý đối với việc thực hiện, xem xét, giải quyết những kiến nghị của MTTQ VN. Ông Thực nhấn mạnh đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ VN thời gian qua chưa như mong đợi, kiến nghị của MTTQ VN nhiều khi là một chiều, sự phản hồi chưa có chuyển biến tích cực, khó xác định trách nhiệm. Đây là lý do dự thảo nghị quyết đã được thiết kế 3 điều về bảo đảm hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ VN và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Nhấn mạnh thực trạng giám sát “không có chế tài” của Mặt trận, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nghị quyết này phải kết nối giám sát của Mặt trận với cơ quan quyền lực Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Điều này có nghĩa là sau khi Mặt trận giám sát, kiến nghị được xử lý như thế nào thì phải làm rõ hơn.
Bình luận (0)