Ngày 15.9, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Tập đoàn HPC International (Đức) và Công ty CP Quản lý quỹ Lộc Việt để nghe hai doanh nghiệp này trình bày công nghệ mới xử lý chất độc điôxin tại Sân bay Biên Hòa.
Đoàn chuyên gia nước ngoài đến khảo sát mức độ nhiễm độc điôxin tại Sân bay Biên Hòa - Ảnh: Lê Lâm
|
Sau khi lấy mẫu đất tại khu vực Sân bay Biên Hòa để xét nghiệm, Tập đoàn HPC International cho đã đề xuất phương pháp xử lý bằng vi sinh, hóa sinh. Theo đó đất tại các khu vực nhiễm điôxin sẽ được xử lý ngay tại chỗ, sau đó hoàn nguyên về vị trí cũ. Theo tính toán của HPC, chi phí xử lý chỉ khoảng 800 USD/m2 đất, thấp hơn một nửa so với phương án xử lý ở Sân bay Đà Nẵng (từ 1.600-1.800 USD/m2). Về nguồn vốn, hai doanh nghiệp (DN) này yêu cầu phía UBND tỉnh Đồng Nai phải bỏ ra từ 10-15% gọi là thiện chí. Số còn lại họ sẽ kêu gọi từ các tổ chức nhân đạo ở nước ngoài. Ngoài ra, sau khi xử lý xong, tỉnh cũng phải bố trí quỹ đất cho các công ty hoạt động để thu hồi vốn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Chánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói: “Đồng Nai luôn quan tâm đến việc xử lý chất độc điôxin trên địa bàn. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn và cách thức xử lý nên đến nay chưa có giải pháp cụ thể.” Ông Chánh cho rằng hai bên cần làm việc thêm, thảo luận nhiều hơn nữa để đi đến sự hợp tác. Còn về vấn đề vốn đối ứng ban đầu và cấp quỹ đất cho DN hoạt động nhằm thu hồi vốn sau xử lý, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ xin ý kiến các các bộ ngành T.Ư nhằm đảo bảo mọi việc tuân thủ đúng pháp luật.
Nơi nhiễm điôxin cao nhất thế giới
Theo báo cáo của Dự án quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở VN (Ban chỉ đạo 33), trong chiến tranh từ năm 1966 đến năm 1970, sân bay Biên Hòa được Mỹ làm căn cứ chính chứa chất diệt cỏ phục vụ cho chiến dịch phun rải chất độc hóa học. Theo đó, lượng chất diệt cỏ mà Mỹ trung chuyển, lưu trữ và sử dụng ở sân bay Biên Hòa trong chiến tranh là 98.000 thùng chất da cam, 45.000 thùng chất xanh và 16.300 thùng chất trắng (205 lít/thùng). Từ năm 1969 – 1970, tại đây xảy ra 4 vụ tràn và rò rỉ chất diệt cỏ với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị tràn ra ngoài từ các bể chứa.
Từ năm 2000 - 2004, Bộ Quốc phòng nước ta đã nghiên cứu và xác định nồng độ điôxin trung bình tại sân bay Biên Hòa khoảng 35.000 ppt. Nghiên cứu còn cho thấy, nồng độ ppt trong máu của những người đánh bắt cá trong Sân bay Biên Hòa là 2.000 ppt (tỉ lệ cho phép của WHO là 10 ppt). Đây là những lý do khiến Sân bay Biên Hòa trở thành nơi bị nhiễm điôxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất không chỉ ở VN mà còn cả trên thế giới.
Được biết, từ năm 2007 - 2011,Trung tâm Công nghệ xử lý Môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) đã xây dựng công trình ngăn chặn tạm thời sự lan tỏa của điôxin tại Sân bay Biên Hòa ra môi trường xung quanh, đồng thời sử dụng công nghệ chôn lấp, cách ly để xử lý gần 100.000 m3 đất nhiễm điôxin. Tuy nhiên theo ông Lê Kế Sơn- Giám đốc Ban chỉ đạo 33, phương pháp này không triệt để, có nguy cơ rò rỉ ra môi trường xung quanh. Trong khi khối lượng đất nhiễm điôxin ở Sân bay Biên Hòa cần chôn lấp lại quá lớn mà còn gần khu dân cư nên biện phá chôn lấp chỉ là tạm thời, về lâu dài phải khai quật và xử lý tiếp.
Bình luận (0)