Tìm được kim cương có nguồn gốc từ vũ trụ

21/04/2018 21:09 GMT+7

Nghiên cứu mới đăng trên Nature Communications cho biết thiên thạch trên chứa bụi kim cương có nguồn gốc ngoài trái đất, mang theo dấu vết còn sót lại của một hành tinh có thể phải cỡ sao Hỏa đã biến mất cách đây 4,5 tỉ năm.

Cách đây 10 năm, cụ thể là vào tháng 10.2008, một nhà thiên văn học ở bang Arizona (Mỹ) đã phát hiện một tiểu hành tinh nặng 83 tấn đang lao thẳng về hướng trái đất. Ông nhanh chóng kêu gọi sự giúp đỡ của đồng nghiệp cũng như những người mê thiên văn, và cuối cùng xác định được nó nổ tung trên bầu trời ở khu vực sa mạc Nubian thuộc Sudan. Các sinh viên Trường đại học Khartoum tình nguyện đi tìm những mảnh vụn còn lại của nó trong sa mạc, và đã nhặt được hơn 600 mảnh của thiên thạch hiện được đặt tên là Almahata Sitta.
Đây cũng là lần đầu tiên giới khoa học theo dấu một tiểu hành tinh trên bầu trời đến khi nó biến thành thiên thạch mà họ có thể cầm nắm trong tay. Tuy nhiên, điều thú vị không chỉ dừng lại ở đó.

Nghiên cứu mới đăng trên chuyên san Nature Communications cho biết thiên thạch trên chứa bụi kim cương có nguồn gốc ngoài trái đất, mang theo dấu vết còn sót lại của một hành tinh có thể phải cỡ sao Hỏa đã biến mất cách đây 4,5 tỉ năm.
“Những mẫu vật này đến từ một kỷ nguyên ngoài tầm với của chúng ta”, theo tác giả Farhang Nabiei thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne (EPFL). Kim cương bên trong thiên thạch Almahata Sitta đã hình thành trong giai đoạn chuyển tiếp của hệ mặt trời, khi mà bụi và khí nóng cuộn xung quanh sao trung tâm nén thành các phôi hành tinh, trước khi phát triển thành hành tinh thực thụ. “Và nhân loại thực chất là một phần của các hành tinh. Đó là câu chuyện về cội nguồn của chúng ta”, chuyên gia Nabiei cho biết.
Trên địa cầu, đa số kim cương được hình thành ở độ sâu nhất định, nơi có áp suất vào khoảng 4,5 gigapascal và nhiệt độ khoảng 1.200oC. Tuy nhiên, kim cương bên trong thiên thạch Almahata Sitta thuộc dạng chỉ tượng hình trong điều kiện áp suất lớn hơn 20 gigapascal, tức gần gấp 200.000 lần áp suất khí quyển trên trái đất, hay tương đương áp suất tại độ sâu 600 km, hoặc dễ tưởng tượng hơn là một người phải giữ một vật khối lượng 100.000 tấn bằng đôi tay trần.
Một câu hỏi được đặt ra là chuyện gì đã xảy ra với thế giới bị biến mất? Chuyên gia Nabiei cũng không biết rõ, nhưng cho rằng hành tinh đó đã bị phá hủy khi mới vài triệu năm tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.