Hai bộ truyện tranh cổ tích Việt Nam và thế giới do Art Sign sản xuất, ra mắt phần 1 và 2 vào cuối tháng 6 vừa qua đã gây sự chú ý của người đọc. Phần 1 gồm 20 câu chuyện cổ tích chọn lọc của Việt Nam và phần 2 bao gồm cả những truyện cổ tích- thần thoại của nước ngoài, như: Ông lão đánh cá và con cá vàng, Aladin và cây đèn thần... Hình ảnh đẹp, cách thể hiện các nhân vật được đầu tư khá kỹ, mang tính sáng tạo, sách in màu và đặc biệt là ý tưởng hài hước phong phú đã tạo nên nét đặc trưng rất riêng trong các bộ truyện tranh của Art Sign.
Hiện đại hóa chuyện cổ tích
Vương Quốc Thịnh - người sáng lập Công ty Art Sign - nói rằng nhóm thực hiện cũng đã tìm tòi, cân nhắc rất kỹ trước khi thể hiện bộ truyện, vẫn sợ phản ứng của độc giả khi truyện không hoàn toàn tuân theo khuôn mẫu vốn đã trở thành nếp nghĩ quen thuộc từ nguyên bản các câu chuyện kể. |
Như chi tiết chàng hoàng tử út Lang Liêu trong Bánh chưng bánh dày mơ thấy thần linh về báo mộng bày cách làm món ăn từ hạt gạo để dâng vua cha được xử lý thành cảnh Lang Liêu mơ thấy mình lạc vào cuộc thi Vào bếp với người nổi tiếng hoặc đại hoàng tử bị ngộ độc thực phẩm vì những món ăn tự chế cốt để dâng vua. Hay như ở Sơn Tinh Thủy Tinh có cảnh Sơn Tinh ngồi trên núi đợi Thủy Tinh dâng nước hằng năm cũng khá gần gũi với thói quen chuẩn bị cho mỗi mùa bão lũ hiện nay ở miền Trung, miền Tây...
Cái đích hướng đến của bộ truyện tranh vẫn là mang đến bài học kinh nghiệm, ý nghĩa cho các độc giả nhí. Chính vì vậy, nhóm thực hiện đã cố gắng đầu tư chăm chút cho từng chi tiết, tưởng chừng như rất nhỏ. Ở truyện Sự tích dưa hấu, Art Sign đã chỉnh sửa một chi tiết nhỏ nhưng để lại một bài học khá đắt giá.
Trong truyện cổ tích, sau khi thấy chim ăn quả lạ, Mai An Tiêm nghĩ rằng chim ăn được thì người cũng ăn được và đã nếm thử quả dưa hấu. Nhưng ở truyện tranh, chi tiết đó bị làm khuyết đi bằng cách để cho Mai An Tiêm tự gieo trồng, chăm bón cho loại quả mới phát hiện rồi mới cho cả nhà nếm thử quả ngọt đầu tiên. Thành quả nào có được cũng bắt đầu từ sự chăm bón, vun đắp, niềm tin và lòng kiên nhẫn. Đó cũng là một đức tính cần cho mỗi con người.
Đam mê và ưu tư
Quyết tâm sắt đá nhất phải kể đến “ông chủ” Art Sign: Vương Quốc Thịnh. Ngay cả khi không thể lèo lái được con tàu truyện tranh, anh cũng không nản lòng. Anh bỏ ra một năm làm công việc khác nhằm tìm vốn và cả kinh nghiệm để được trở về với niềm đam mê vốn được hun đúc từ những ngày còn đắm mình trong thế giới truyện tranh ở cao nguyên.
Và sau bao nhiêu trắc trở, cuối cùng những bộ truyện của Art Sign đang dần dần thu hút nhiều độc giả. Biểu tượng chim cánh cụt của Art Sign cũng mang ý nghĩa của sự đoàn kết chặt chẽ, chịu đựng được những khắc nghiệt nhất của cuộc sống.
“Càng đi sâu vào hội họa, tôi càng say mê những nét vẽ và hiểu rằng truyện tranh cũng có một giá trị vững mạnh. Nhiều nước có những bộ truyện đã làm nên văn hóa của nước họ. Tôi muốn làm được một điều gì đó cho truyện tranh Việt Nam, phát huy được giá trị văn hóa của dân tộc” – Thịnh chia sẻ. Nhưng anh cũng ưu tư về sự manh mún của thị trường truyện tranh Việt.
Sự đoàn kết, hợp tác giữa các đơn vị truyện tranh, tổ chức các buổi triển lãm chung để quảng bá truyện tranh Việt Nam với Thịnh là điều rất cần thiết. “Art Sign vẫn đang ở giai đoạn đầu, đường vẫn còn dài nhưng hơn ai hết, tôi luôn có những hoạch định rất rõ ràng và đã có những dự án rất cụ thể cho Art Sign. Vấn đề bây giờ là phải thực hiện dần dần từng bước một” – Vương Quốc Thịnh nói.
Kiên định với truyện tranh Art Sign cũng là đơn vị thực hiện truyện tranh đầu tiên của Việt Nam nghĩ đến việc chuyển thể các tác phẩm hiện đại thành truyện tranh. Năm cuốn truyện đầu tiên được chuyển từ các tác phẩm: Nữ sinh, Trước vòng chung kết, Bồ câu không đưa thư, Bong bóng lên trời, Những chàng trai xấu tính của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được hoàn thành và sẽ ra mắt độc giả trong tháng 9. Vương Quốc Thịnh cho biết sau dự án này, Art Sign sẽ tiếp tục phát triển thêm các dự án truyện tranh khác: truyện về lịch sử, bộ truyện tâm lý theo lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên... |
Theo TIỂU QUYÊN / Người Lao Động
Bình luận (0)