Tìm giải pháp phát triển du lịch Tây nguyên

26/12/2014 16:11 GMT+7

(TNO) Ngày 26.12, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia Tây nguyên-Đà Lạt 2014 đã tổ chức hội thảo quốc tế 'Du lịch Đà Lạt-Tây nguyên, hội nhập và phát triển' với sự tham dự của hơn 130 đại biểu trong và ngoài nước.

(TNO) Ngày 26.12, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban tổ chức  Năm du lịch quốc gia Tây nguyên-Đà Lạt 2014 đã tổ chức hội thảo quốc tế “Du lịch Đà Lạt-Tây nguyên, hội nhập và phát triển” với sự tham dự của hơn 130 đại biểu trong và ngoài nước.

Tìm giải pháp phát triển du lịch Tây nguyênHồ Xuân Hương (TP.Đà Lạt), điểm lựa chọn yêu thích của nhiều du khách
Tây nguyên không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến du lịch đường bộ nối vùng đông bắc Thái Lan, nam Lào, Campuchia với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.
Theo thống kê của các tỉnh Tây nguyên, năm 2014, tổng lượt khách toàn vùng ước đạt khoảng 6 triệu lượt (tăng 14%), trong đó khách quốc tế đạt 400.000 lượt (tăng 7%), doanh thu từ du lịch đạt trên 10.000 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2013.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, du lịch Tây nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách quốc tế chưa nhiều…
Cần hoàn thiện hạ tầng giao thông
Phát biểu tại hội thảo, ông Anar Imanov, Đại sứ nước Cộng hòa Azerbaijan tại VN góp ý cần phải giải quyết vấn đề về phương diện giao thông kết nối giữa các vùng trong cả nước nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho du khách đi tham quan các điểm du lịch tại VN.
“Khách quốc tế tại VN thường chọn đi du lịch bằng máy bay, nhưng hiện nay vé máy bay tại VN có giá rất cao, đôi khi giá vé này còn cao hơn giá vé máy bay đi từ VN sang các quốc gia khác. Đó là lý do tại sao các dự án về hạ tầng giao thông vận tải phải là vấn đề đầu tiên cần phải hoàn thiện, xây dựng hệ thống đường cao tốc chất lượng cao và hệ thống đường sắt cao tốc tại VN. Ngoài ra, việc quảng bá vẫn chưa được chú trọng đúng mức nên du khách nước ngoài ít biết đến vùng đất này…”, ông Anar Imanov nói.
 Cần chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống để thu hút du  khách. Trong ảnh: Múa Churu, một trong những nét văn hóa nhiều du khách muốn tìm hiểu khi đến du lịch ở Tây nguyên
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN (Bộ VH-TT-DL) nhìn nhận Đà Lạt-Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên sở hữu các nguồn tài nguyên du lịch hết sức đa dạng, nổi bật và khác biệt, hoàn toàn có thể phát triển thành những sản phẩm, điểm đến hấp dẫn để trở thành vùng du lịch rất khác biệt, mang tính động lực cho du lịch VN.
“Tuy nhiên, tình hình phát triển du lịch của vùng này thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Có những nút thắt, rào cản mà chúng ta phải tháo gỡ và vượt qua thì mới có thể tạo ra sự phát triển mang tính đột phá, tương xứng với các tài nguyên, các tiềm năng sẵn có. Đó là những nút thắt về giao thông và hạ tầng; vấn đề phát triển sản phẩm và kết nối với các thị trường; cần đầu tư một cách xứng đáng và chuyên nghiệp, hiệu quả cho công tác quảng bá xúc tiến; vấn đề liên kết giữa Đà Lạt với các điểm đến trong khu vực Tây nguyên, giữa Tây nguyên với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Chỉ khi nào đầu tư và tháo gỡ được những nút thắt đó thì du lịch Đà Lạt-Tây nguyên mới có thể phát triển”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, trong thời gian tới, chúng ta phải chuyển từ phát triển diện rộng sang phát triển chiều sâu, chú ý nâng cao chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu và có khả năng cạnh tranh. Chỉ như vậy, chúng ta mới nâng cao được vị thế, hình ảnh, sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của ngành du lịch so với tiềm lực.
Tìm giải pháp phát triển du lịch Tây nguyên 2Dịch vụ cưỡi voi là một trong những trải nghiệm quen thuộc và ưa thích của du khách
Chú trọng điểm đến Đà Lạt và lượng du khách Nhật Bản
Ông Kazumi Inami - Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại VN cho rằng cần phải có những chính sách thu hút du khách Nhật thông qua những vẻ đẹp của Đà Lạt. Đặc biệt, cần phải tạo ra các tour chuyên biệt dành riêng cho những đối tượng có điều kiện về kinh tế và đặc thù như người cao tuổi hay các cô gái trẻ. Đối với đối tượng du khách nữ đã đến VN trước đây, nên giới thiệu những nét cuốn hút mới của VN để lôi kéo họ quay trở lại, ví dụ như đưa những sản vật của Đà Lạt: rau xanh, cà phê, hoa… vào gói du lịch dành cho đối tượng này.
Trong khi đó, khách du lịch cao tuổi Nhật Bản thường có nhu cầu nghỉ tại khách sạn có sử dụng tiếng Nhật và có hướng dẫn viên biết tiếng Nhật, vì vậy cần có thời gian chuẩn bị một môi trường du lịch chuyên về tiếng Nhật và đào tạo hướng dẫn viên phù hợp. Ngoài ra, cần giới thiệu Đà Lạt thông qua việc cung cấp địa điểm để chụp hình cho các tạp chí, trường quay cho các chương trình vô tuyến tại Nhật Bản. Xây dựng các tour du lịch trải nghiệm cả núi và biển, kết hợp giữa Nha Trang-Đà Lạt mà nhiều du khách VN hay làm... Tuy nhiên, theo ông Kazumi Inami, cách tốt nhất là tổ chức khai thác những tour du lịch theo cách phối kết hợp với những công ty du lịch của Nhật Bản, những người đã hiểu rõ về sở thích của du khách Nhật.
Theo bà Trần Thị Việt Hương, đại diện Công ty du lịch Vietravel, để xây dựng môi trường du lịch Đà Lạt thân thiện cần phải cải thiện toàn diện, đồng bộ về nhiều mặt để Đà Lạt có bộ mặt mới nhưng vẫn giữ lại những gì vốn là đặc trưng riêng của Đà Lạt. Du khách đến đây đều mong Đà Lạt sẽ là một công viên hoa mở, đâu đâu cũng có hoa cả bốn mùa (đường phố, nhà dân, công viên…), chứ không phải chỉ có ở các khu du lịch, vườn hoa. Làm vậy, du khách đến Đà Lạt sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những vườn hoa đặc sắc chứ không phải trả tiền để vào vườn hoa, khu du lịch mới được chiêm ngưỡng hoa. Ngoài ra, cần xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí về đêm cho du khách, để tăng tính giải trí và tìm hiểu văn hóa về đêm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.