Tìm hiểu trầm hương và kỳ nam qua "Nghiên cứu Huế"

11/09/2010 20:31 GMT+7

Ngày 6.9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế khai mạc với khẳng định: “Thừa Thiên - Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang (…), cần nỗ lực mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để đưa Thừa Thiên - Huế phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương”.

Dịp này, chúng tôi nhận được nhiều tài liệu chuyển tải qua tập san Nghiên cứu Huế (tập 7-2010) dày hơn 470 trang khổ lớn, do Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Huế phổ biến, bao gồm nhiều nội dung thiết nghĩ phù hợp với quyết tâm trên.

Trước hết là tham luận “nảy lửa” của kỹ sư Nguyễn Hữu Đính đả phá thành kiến sai lầm cho rằng “miền Trung nghèo, đất ít người đông, ngành nông nghiệp ở đây không đáng kể, không đủ nuôi sống, và người dân miền Trung sẽ không bao giờ thoát khỏi cái vòng cương tỏa của những điều kiện môi trường bạc bẽo mà thiên nhiên đã dành cho họ” và đưa ra những minh chứng về tiềm năng nông lâm nghiệp của miền Trung và Thừa Thiên (cũ). Tham luận này được đọc tại Viện Đại học Huế từ năm 1974, cho thấy vấn đề được đặt ra ngót hơn 35 năm trước.

Một số bài khác viết về biện chứng lịch sử phát triển của xã hội Đàng Trong thế kỷ 16 - 18 (của Huỳnh Công Bá), nhận diện vùng đất Thuận Hóa đầu thế kỷ 15 (của Nguyễn Hữu Thông và Lê Đình Hùng), Văn Miếu - Quốc Tử Giám Huế (của Phan Thuận An), Hồi ký về Huế (của M.Đức Chaigneau), Ngắm lại những cây liễu kinh thành Huế trong thơ Cao Bá Quát, Liễu rủ ở Huế xưa và nay (của Nguyễn Khoa Điềm và Đỗ Xuân Cẩm), Hành trình “huyền thoại sông Hương” (của Lê Văn Lân), cùng nhiều bài của Nguyễn Thế Anh, Chương Thâu, Nguyễn Khắc Viện, Cao Xuân Hạo, Phan Huy Lê, Vĩnh Phối, Bửu Ý, Lê Khắc Cầm, Trần Đại Vinh, Nguyễn Xuân Hoa, Lê Văn Thuyên, Phan Đăng...

Trong số các bài trên, tài liệu công phu về bối cảnh lịch sử Việt Nam giai đoạn 1558 đến 1802 của Nguyễn Hữu Châu Phan dài đến 126 trang, chứa đựng các chú thích khá chi tiết và thích đáng. Ở đây, chúng tôi giới thiệu nội dung chú dẫn của Nguyễn Hữu Châu Phan về nguồn gốc trầm hương và kỳ nam của xứ Huế. Theo đó, trầm hương thường được người Chăm làm cống phẩm gửi đến Phú Xuân (Huế) thời Nguyễn. Từ xa xưa, người Chăm đã lùng kiếm kỳ nam và trầm hương trên các vùng rừng núi vắng vẻ của dãy Trường Sơn.

Việc lùng kiếm diễn ra vào một khoảng thời gian nhất định trong năm với những nghi lễ riêng trước giờ cất bước đến cửa rừng. Người chủ trì các chuyến đi “chính là các Chăm Pô Gahlung, Gahlao - chúa gỗ kỳ nam, các quan Chăm, trưởng làng Hồi giáo Palei Balap hay làng Balam, cách Phan Rang 10 cây số về phía bắc, thực hiện. Đi theo các viên quan trên có 16 kani hay kuni (những người tìm kỳ nam) - có nhiệm vụ giám sát những người Urang Glai hay Raglai (những người ở rừng) - một tộc hoang dã sống trong núi nói một phương ngữ Chăm, do Pâvak hay thủ lĩnh của họ chỉ huy, làm nhiệm vụ chỉ dẫn và tham gia thu nhặt kỳ nam… Sau nhiều nghi lễ hiến sinh dâng cho từng vị thần tại các đền Chăm trong một thung lũng vùng Phan Rang, những người đi tìm kỳ nam lên đường dưới sự hướng dẫn của Pô Gahlao và Pâvak, và phải tuyệt đối im lặng trong suốt thời gian đi tìm vì người Chăm và người Raglai tin rằng nếu nói thì gỗ sẽ mất hương thơm. Sau vụ thu hoạch kỳ nam, người ta tổ chức trên núi một lễ tạ thần Pô Bineum hay Neum - một vị thần rừng bảo hộ kỳ nam, và Po Thau - thần giữ gỗ thơm ấy (Ant Calaton)”.

Về kỳ nam, Lê Quý Đôn đã chép trong Phủ Biên Tạp Lục rằng, kỳ nam hương xuất từ đầu núi Quảng Nam, Phú Yên và Quy Nhơn do cây dó kết thành: “Dó có ba loại: dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành trầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân cây nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy. Họ Nguyễn trước đặt đội Am Sơn, hằng năm cứ tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 thì trở về, số được nhiều ít không nhất định, lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chất mềm như phấn đông có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu. Tục ngữ nói: “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”. Muốn phân biệt trầm hương với kỳ nam thì lấy hình chất khí vị mà phân biệt. Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng, kỳ nam thì mềm nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng; đốt trầm hương thì khói kết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài. Trầm hương chỉ có thể giáng khí. Kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí uế khí”.

Trong các tác giả nước ngoài viết về trầm hương và kỳ nam xứ Huế có Cristophoro Borri, theo đó trầm hương là thứ gỗ nổi tiếng lấy từ một loại cây to và rất cao: “Nếu gỗ cắt ở thân cây non thì là trầm hương, có rất nhiều (…), nhưng khi lấy ở gốc già thì là kỳ nam rất khó kiếm. Vì hình như thiên nhiên cho những cây đó mọc lên ở những ngọn núi cao nhất và hiểm trở nhất để được thảnh thơi già cỗi đi, không ai làm hại được. Thỉnh thoảng có ít cành gãy và rời khỏi thân rơi xuống, hoặc vì khô quá, hoặc vì già cỗi quá và khi người ta nhặt được thì đã mục và mốc thếch. Nhưng đó lại là thứ có giá nhất và lừng danh nhất. Trầm hương thì ai cũng có thể bán tùy thích nhưng kỳ nam thì chúa (Nguyễn) giữ độc quyền mua bán”. Cristophoro Borri còn viết rằng mình đã đem một miếng kỳ nam chôn dưới đất sâu chừng hơn 5 pieds (mỗi pied chừng 0,3407m) vậy mà vẫn ngửi thấy hương thơm.

Qua các tài liệu do Nguyễn Hữu Châu Phan dẫn trên cho thấy trầm hương và kỳ nam đã có mặt từ lâu đời tại Huế. Đến nay, trầm hương được đốt lên trên bàn thờ tổ tiên vào những ngày lễ lớn, những dịp cưới xin, giỗ chạp, hoặc rằm trung thu, giao thừa và ngày đầu xuân…

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.