Tìm hướng phát triển lúa gạo bền vững

16/11/2013 10:31 GMT+7

Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ đang là vấn đề cấp bách được đặt ra để hướng tới nền sản xuất lúa gạo bền vững.

Tìm hướng phát triển lúa gạo bền vững
Nhờ tham gia CĐML, nông dân xã Vĩnh Bình thu lãi mỗi vụ hơn 20 triệu đồng/ha - Ảnh: An Lạc

Hiệu quả từ cánh đồng mẫu lớn

Ông Nguyễn Văn He (ở xã Vĩnh Bình, H.Châu Thành, An Giang) cho biết lúc trước gia đình ông canh tác 3,5 ha lúa nhưng thu lời không bao nhiêu, do thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ năm 2010 đến nay, ông tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), được doanh nghiệp (DN) hỗ trợ từ khâu vật tư, giống, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm. Vụ hè thu năm nay, khi lúa rớt giá thê thảm và ùn ứ kéo dài khiến nhiều nông dân thua lỗ, thì những người tham gia mô hình CĐML như ông vẫn đảm bảo thu lời khoảng 22 triệu đồng/ha.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã có nhiều mô hình được đưa ra để tìm hướng đi cho sản xuất lúa gạo bền vững; trong đó CĐML là mô hình đột phá, đạt kết quả khả quan. Nông dân tham gia mô hình này giảm được giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng hạt gạo và điều quan trọng là thu về lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình vẫn gặp khó khăn do nhiều DN chưa mặn mà tham gia. Vì vậy, cần có cơ chế để kéo DN hợp tác với nông dân thì mới phát triển được CĐML.

Gắn kết nông dân với doanh nghiệp

Được biết, tới đây Bộ Công thương sẽ yêu cầu các DN tham gia xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu. Đây được xem là động thái tích cực để nhân rộng diện tích CĐML. Tuy nhiên về lâu dài, có nhiều ý kiến cho rằng cần tìm ra hướng đi căn cơ hơn trong việc sản xuất lúa gạo, ở đó nông dân được làm chủ giá bán sản phẩm do mình làm ra.

Khởi xướng việc này, Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đang triển khai chương trình phát hành 2,48 triệu cổ phiếu ưu đãi cho nông dân vùng ĐBSCL. Theo Tổng giám đốc AGPPS Huỳnh Văn Thòn, nông dân đang vướng 3 cái khó là thiếu vốn mua vật tư đầu vào, thiếu kỹ thuật và không làm chủ được khâu tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu công ty phát hành cổ phiếu ưu đãi là để nông dân được tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu gạo, cùng công ty định đoạt giá tiêu thụ sản phẩm. Hơn thế nữa, việc làm này giúp nâng cao vị thế của nông dân, để họ trở thành người đồng sở hữu một công ty lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, AGPPS đã phát hành cổ phiếu ưu đãi cho 6.000 nông dân tham gia mô hình CĐML do công ty triển khai. Bình quân mỗi nông dân sở hữu từ 300 - 500 cổ phiếu, mệnh giá 30.000 đồng/cổ phiếu (tương đương 50% so với giá thị trường). “Quan điểm của công ty là đồng hành cùng nông dân. Nếu không có sự ủng hộ của nông dân thì công ty không thể phát triển. Do đó, việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cũng để kéo nông dân hùn vốn vào công ty; đồng thời công ty sẽ phân phối lại lợi nhuận cho nông dân được hưởng”, ông Thòn chia sẻ.

Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đánh giá cao việc lần đầu tiên ở ĐBSCL có một DN đột phá đưa nông dân vào tham gia sở hữu cùng công ty. Tuy số cổ phiếu của nông dân ở AGPPS bước đầu còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn (5%) nhưng đã mở ra cơ hội mới cho nông dân. Bên cạnh đó, mô hình này cũng cho thấy muốn tiến tới nền sản xuất lúa gạo bền vững, tạo thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam cần phải hình thành những vùng sản xuất lớn, trong đó nông dân và DN phải “đồng hội đồng thuyền”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nhận định: “Hạn chế của nền sản xuất lúa gạo Việt Nam lâu nay là mạnh ai nấy làm, nông dân cứ tới vụ là sản xuất; trong khi bán cho ai, giá bao nhiêu, thời gian, số lượng... đều mù tịt. Chính vì vậy, nông dân luôn chịu thiệt thòi. Mô hình mới của AGPPS với mục tiêu đồng hành cùng nông dân, gắn chặt nghĩa vụ và quyền lợi giữa DN với nông dân để cùng nhau có trách nhiệm phát triển nền sản xuất lúa gạo bền vững được rất nhiều người kỳ vọng”.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.