Tìm kiếm kho vàng 4.000 tấn: Chuyện chưa kể về cụ Tiệp

12/03/2015 11:48 GMT+7

(TNO) UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi các cơ quan chức năng và cụ Trần Văn Tiệp thông báo không cho triển khai tiếp việc tìm kiếm “kho vàng 4.000 tấn” ở núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc tìm kiếm của cụ Tiệp dừng lại.

(TNO) Ngày 10.3, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản chính thức gửi các cơ quan chức năng và cụ Trần Văn Tiệp thông báo không cho triển khai tiếp việc tìm kiếm “kho vàng 4.000 tấn” ở núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc tìm kiếm của cụ Tiệp dừng lại.

Chân dung cụ Trần Văn Tiệp - Ảnh: Quế Hà
Vì sao phải dừng ?
Trong phiên họp ngày 27.2 của Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng việc thăm dò kho báu nghi được chôn giấu trong lòng núi Tàu đã kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, kết quả từ nhiều lần gia hạn giấy phép, cụ Trần Văn Tiệp vẫn không đưa ra được những cơ sở khoa học chứng minh về khả năng có kho báu trong lòng núi. Việc tìm kiếm nhiều năm qua, ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan. Do vậy, tỉnh không nên gia hạn giấy phép cho cụ Tiệp, đồng thời yêu cầu cụ Tiệp và cộng sự phải hoàn thổ khu vực đã thăm dò như đã cam kết.
Một cán bộ của tỉnh từng có hơn 10 năm theo dõi quá trình tìm kiếm của cụ Tiệp bình luận: “Việc UBND tỉnh có quyết định chấm dứt tìm kiếm vàng trên núi Tàu dù có muộn, nhưng vẫn là động thái có tính quyết định vào lúc này. Đành rằng cụ Tiệp với tâm huyết mấy chục năm qua là “tìm kiếm vàng cho ngân khố quốc gia”. Nhưng việc tìm kiếm triền miên không mang lại kết quả gì. Vừa tốn kém tiền bạc của cụ vừa đẩy các cơ quan của tỉnh vào thế khó xử và mất thời gian. Cụ đã lớn tuổi rồi, nên để cho cụ nghỉ ngơi”.
Bà Nguyễn Thị Thơ, quê ở Nhà Bè, TP.HCM (hiện sống ở Úc) kể, khi mới 12 tuổi, bà từng nghe cụ Tiệp nói chuyện với cha mình về kho vàng núi Tàu. Đã hơn 50 năm, nhưng sự hấp dẫn của câu chuyện ly kỳ về kho báu núi Tàu vẫn trong tâm trí bà mồn một. Dù đã sống ở nước ngoài rất lâu, nhưng mỗi khi về VN bà đều liên hệ và ra tận Tuy Phong để tận mắt nhìn thấy núi Tàu. Mỗi khi có thông tin về tiến độ tìm kiếm kho báu đăng trên Thanh Niên, bà Thơ đều gọi điện về VN hỏi thăm. “Tôi mong câu chuyện mà cụ Tiệp từng kể với cha tôi hơn 50 năm về trước sẽ trở thành hiện thực chứ không phải hão huyền”, bà Thơ mong ước.
Trong khi đó, anh Trần Phương Hồng, con trai út của cụ Tiệp cho biết, cho đến hôm qua (11.3) gia đình vẫn chưa cho cụ biết thông tin này. Cách đây vài ngày, cụ còn hối thúc con trai và cộng sự tiếp tục ra làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh để xin gia hạn thêm một năm nữa. “Ông cụ đang bất đồng với một người cháu là cộng sự về phương án khoan, đánh mìn nên tiến độ bị chậm. Tin này với ba tôi là khá sốc. Nhưng cụ sẽ không bao giờ chấp nhận việc dừng lại. Theo ba tôi thì việc “lấy” kho vàng lên từ núi Tàu chỉ là thời gian…”, người con trai út của cụ Tiệp chia sẻ.
Khác với những lần trước, lần này các con của cụ Tiệp không đồng ý để PV Thanh Niên Online gặp cụ, bởi lý do sức khỏe của cụ suy giảm. “Nếu biết tin này cụ sẽ bắt tôi đưa đi Bình Thuận ngay trong đêm nay đấy”, cũng theo lời anh Hồng.
Một người cháu từng là cộng sự của cụ Tiệp cho hay, chỉ khi nào sức khỏe không cho phép thì việc tìm kiếm của cụ mới dừng lại. “Minh chứng cho điều này là suốt mấy chục năm qua, việc tìm kiếm của cụ không lúc nào ngơi nghỉ”, người này nói.
Ra núi Tàu là khỏe !
Chúng tôi từng cùng cụ Tiệp lên núi Tàu trên chính xe Jeep cũ kĩ của cụ. Giữa năm 2013, anh Hồng lái xe đưa cụ ra núi Tàu. Khi đến Phan Thiết, con trai cụ đưa cha xuống bờ kè (bờ sông Cà Ty) ăn uống để hôm sau cụ lên gặp chủ tịch UBND tỉnh xin được dùng mìn phá đá. Tối hôm đó, khi về nghỉ ở khách sạn 19/4, cụ Tiệp bị ngộ độc thực phẩm (có lẽ do ăn hải sản). Anh Hồng phải nhờ nhân viên của khách sạn đến hỗ trợ chăm sóc, nhưng cụ vẫn bị nôn ói và tiêu chảy. Ngay lập tức, xe cấp cứu đến đưa cụ vào bệnh viện. Nhận được tin, một người con trai khác của cụ là anh Phương Hoàng tức tốc ra Phan Thiết. Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Phan Thiết (do con trai cụ là Chủ tịch HĐQT) cũng có mặt kịp thời. Rất may là các bác sĩ cứu chữa kịp cho cụ.
Cụ Tiệp cho PV Thanh Niên Online xem toàn bộ hồ sơ liên quan đến các chứng cứ về kho vàng núi Tàu tại nhà riêng của cụ ở TP.HCM, tháng 4.2008 - Ảnh: CTV
Vậy mà sáng hôm sau, khi thấy tôi xuất hiện ở bệnh viện, cụ đã đề nghị đưa ngay lên gặp chủ tịch UBND tỉnh. Do chủ tịch UBND tỉnh hôm ấy bận đi công tác, cụ lại nhất định bảo con trai phải đưa ra núi Tàu, cách Phan Thiết tới gần 100 km. Biết tính cha, anh Hồng không còn cách nào khác là phải đưa cụ đi.
Lên đỉnh núi, thấy anh em công nhân đang làm, ông cụ bỗng khỏe lại và nhanh nhẹn như không bệnh đau gì.
Một lần khác vào cuối năm 2014. Gần 4 giờ sáng, anh Hồng gọi điện cho PV Thanh Niên Online, nói: “Em đang đứng trước nhà anh”. Mở cửa, thấy cụ Tiệp ngồi trên xe Jeep ngủ, dây nịt bảo hiểm vẫn quanh người. Anh Hồng cho hay, chiều tối cụ gọi anh đến và bảo đưa ra Bình Thuận ngay trong đêm để ngày mai làm việc với tỉnh với lý do “có người núp bóng khai thác đá xây dựng, nhưng ban đêm truy tìm kho vàng”.
Hơn 6 giờ sáng, cụ mời tất cả anh em đi ăn bánh hỏi ở thị trấn Phú Long, rồi tiếp tục ra núi Tàu. Anh Hồng đề nghị tôi giải thích giúp cho cụ biết không có ai đang “lấy trộm kho vàng” của cụ (vì các con giải thích cụ không tin). Họ không biết gì về kho báu của cụ. Giải thích mãi, cụ mới chấp nhận quay lại và tuyên bố “sẽ không tha bất cứ kẻ nào nếu muốn chiếm đoạt kho báu”!
Cụ Trần Văn Tiệp, sinh năm 1915 ở Hải Phòng (tròn 100 tuổi, hiện trú ở quận Phú Nhuận, TP.HCM); từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Cụ có tới 11 người con, đều đã thành đạt. Một con trai của cụ từng là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc một ngân hàng lớn có trụ sở chính ở TP.HCM.
Cụ Tiệp và con trai, anh Trần Phương Hồng một lần trên núi Tàu năm 2009 - Ảnh: Quế Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.