Trong báo cáo khoa học trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA), các nhà nghiên cứu đã trình bày lại phân tích xu hướng tìm kiếm trên Google liên quan đến tự sát tại Hoa Kỳ từ ngày phát hành loạt phim 13 Reasons Why (31.3 đến ngày 18.4.2017).
Họ dừng lại mốc này bởi vì cựu cầu thủ Aaron Hernandez tự tử vào ngày 19.4 có thể gây ra ảnh hưởng đến xu hướng tìm kiếm sau đó. Để so sánh, nhóm nghiên cứu sử dụng khoảng thời gian trước khi phát hành phim từ tháng 1 đến tháng 3 để xác định lượng từ và cụm từ về tự sát mà người dùng tìm kiếm.
Theo JAMA, tìm kiếm liên quan đến tự sát đã cao hơn 19% sau khi phim phát sóng. Đồng tác giả của nghiên cứu - Mark Dredze, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: "Có hơn 900.000 đến 1.500.000 lần tìm kiếm liên quan đến tự sát đã tăng trong suốt 19 ngày sau khi loạt phim phát hành.
Các cụm từ như "làm thế nào để tự tử" (how to commit suicide) tăng 26%, "tự tử" (commit suicide) tăng 18% và "làm thế nào để tự sát" (how to kill yourself) tăng lên 9%.
Mặt khác, các cụm từ tìm kiếm như "đường dây nóng báo tự tử" (suicide hotline) tăng 12%, và "phòng chống tự tử" (suicide prevention) tăng 23%”.
Tác giả chính của nghiên cứu - giáo sư John Ayers, thuộc Trường Y tế công cộng San Diego, cho biết: "Mặc dù rất vui mừng khi loạt phim này phát hành đã làm tăng nhận thức về tự tử và ngăn chặn tự tử giống như những người tìm kiếm cụm từ "phòng chống tự tử" nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã làm dấy lên những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất từ những người chỉ trích chương trình. Họ cho rằng phim có thể khiến nhiều người hành động theo ý nghĩ tự tử khi tìm hiểu thông tin về cách thức tự sát”.
Trong khi đó, những người ủng hộ ca ngợi bộ phim phản ánh về những đấu tranh mà tuổi vị thành niên phải đối mặt.
Dù khẳng định kết quả tìm kiếm liên quan đến tự sát tăng bất ngờ nhưng nhóm nghiên cứu chưa kiểm tra xem liệu số vụ tự sát ngoài thực tế có tăng lên theo sau khi chương trình phổ biến này được công bố hay không.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng “xu hướng tìm kiếm tự sát tương quan với các vụ tự sát thực tế" và "phương tiện truyền thông về nạn tự sát đã làm tăng nỗ lực tự sát", báo cáo của JAMA cho hay.
Giáo sư John Ayers nói: "Chúng tôi đang kêu gọi Netflix dỡ bỏ chương trình và chỉnh sửa nội dung của nó để phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới trước khi đăng tải lại". Ông cũng đề nghị rằng nhà sản xuất nên cho thêm số đường dây nóng phòng ngừa tự sát vào các tập cũ và những cảnh mô tả việc tự tử sẽ bị bỏ đi.
Netflix cho biết họ đang tiếp tục sản xuất mùa thứ hai. “Chúng tôi luôn tin rằng chương trình này sẽ làm tăng các thảo luận về chủ đề khó nhằn này (tự tử)”, Netflix tuyên bố trong một thông cáo gửi cho giới truyền thông Mỹ.
Tài khoản Twitter chính thức của chương trình có liên kết đến 13reasonswhy.info, cung cấp thông tin về đường dây nóng phòng chống tự sát và công tác phòng ngừa trên khắp thế giới.
13 Reasons Why (13 Lý do tại sao) dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jay Asher, là câu chuyện về một cô gái tuổi teen Hannah Baker (Katherine Langford) đã tự tử. Trước đó cô thu âm 7 cuộn băng cassette, gồm 13 lý do khiến nữ sinh trung học này quyết định tự tử, đề cập đến nhiều người bạn học khiến cô đi đến quyết định tự sát.
Phim mô tả chân thực, sống động về môi trường học đường, các vấn đề tâm lý thường gặp ở tuổi vị thành niên cũng như nạn bắt nạt, hiếp dâm, lạm dụng tình dục. Mỗi hành động dù cố ý hay vô tình của người khác đều có thể khiến một con người (trong phim là Hannah Baker) bị tổn thương và đi đến quyết định tự sát để giải thoát bản thân.
|
Bình luận (0)