Trong ngôi biệt thự xinh đẹp trên đường Hoàng Hoa Thám, TP. Đà Lạt, nhiều người như “gặp lại” Đà Lạt từ hơn nửa thế kỷ trước qua những bức ảnh đen trắng hiếm hoi.
|
Tác giả của những bức ảnh đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh (NS) Đặng Văn Thông (82 tuổi), hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng. Ông sinh ra ở Nam Định. Năm tám tuổi theo gia đình vào Đà Lạt sinh sống. Ông ở nhờ nhà người chú là chủ hiệu ảnh Đà Lạt Photo để được giúp đỡ đi học. Hằng ngày, thấy các anh, các chú trong hiệu ảnh pha thuốc, tráng rửa phim ảnh, cắt cúp để cho ra đời những bức ảnh đẹp đã “gieo” vào lòng chàng thanh niên xứ Bắc niềm đam mê nghề nhiếp ảnh. Khi tròn 17 tuổi, Đặng Văn Thông bắt đầu cầm máy ghi lại những cảnh đẹp, núi đồi, thác nước hoang sơ, thơ mộng của Đà Lạt… Không chỉ chụp ảnh, ông Thông còn vào phòng tối tự tay tráng và rửa hình.
Nhắc đến bức ảnh hồ Mê Linh (chụp năm 1948), là bức ảnh xưa nhất mà ông còn lưu giữ được, ông Thông nhớ lại: “Từ năm 1948 đến 1952, tôi làm thợ ảnh chuyên chụp cho lính Pháp đóng quân gần hồ Mê Linh (khu vực quân sự) nên tôi mới có cơ hội “săn” được những bức ảnh thơ mộng của hồ Mê Linh”. Thời đó hồ Mê Linh còn hoang sơ lắm, quanh hồ có 7 ngôi biệt thự của các sĩ quan Pháp. Đảo giữa hồ có ngôi nhà mái nhọn xinh xắn, trẻ con cứ ví đó là ngôi nhà của cô Bạch Tuyết, còn 7 ngôi biệt thự là của 7 chú lùn trong truyện cổ tích. Sau nhiều chục năm hồ Mê Linh bị bồi lắng biến thành vườn rau, cuối năm 2013, hồ được khôi phục lại. Nhưng theo NS Đặng Văn Thông hồ đẹp còn phụ thuộc cảnh quan rừng thông quanh hồ, nay nhà cửa mọc lên nhiều quá, diện tích hồ mới khôi phục chỉ bằng 70% ngày xưa. Chỉ vào bức ảnh chợ Đà Lạt năm 1952, ông Thông nói, phụ nữ Đà Lạt lúc đó đi chợ đều mặc áo dài rất lịch sự dù ngồi trên xe ngựa, hoặc đang gánh hàng ra chợ. Nhìn bức ảnh thác Cam Ly (1951) hay Gougah (1955)… đôi mắt nghệ sĩ Đặng Văn Thông thoáng buồn: “Ngày xưa các thác nước trông hùng vĩ, bọt nước tung trắng xóa, nay Cam Ly bị ô nhiễm triền miên, còn Gougah bị thủy điện “giết chết” rồi, không bao giờ tìm lại được nét xưa nữa”.
|
Trong số những bức ảnh xưa của NS Đặng Văn Thông, đa phần được chụp vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Những bức ảnh trông thật “quen” mà cũng thật “lạ” làm lớp hậu thế xao lòng là cảnh nhà hàng Thủy Tạ đơn sơ với những chiếc thuyền đang căng cánh buồm lướt nhẹ trên hồ Xuân Hương; đó là cảnh Đồi Cù thơ mộng, điểm vui chơi của giới trẻ ngày xưa mà nay là sân golf có hàng rào bao quanh kín mít; đó còn là mặt hồ Than Thở lặng lờ mỗi sáng sớm với cảnh 2 người chèo thuyền lưới cá thật yên bình …
NS Đặng Văn Thông tiết lộ, để có những bức ảnh đẹp về Đà Lạt ông đã có dịp “thọ giáo” các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng thời bấy giờ như Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Mạnh Đan…; được các đồng nghiệp Nguyễn Bá Mậu, Trần Văn Châu… trao đổi, chia sẻ và cùng tham gia triển lãm ảnh ở Sài Gòn, giúp cho ông thêm cứng tay nghề. Từ năm 1959, ông Thông làm việc tại Nha Địa dư Đà Lạt với công việc chụp ảnh họa viên trên giấy, chụp ảnh qua phim, từ phim qua bảng kẽm để đưa vào in offset đã giúp ông có thêm kinh nghiệm chụp ảnh, xử lý ảnh chụp và áp dụng những kỹ thuật mới vào những bức ảnh của mình.
Lâm Viên
>> Những khoảnh khắc vàng về Đà Lạt xưa
>> Triển lãm ảnh "Đà Lạt xưa
>> Đà Lạt xưa và nay" ở Thung Lũng Tình Yêu
Bình luận (0)