|
Song có lẽ điều mà nhiều người cảm thấy băn khoăn là làm sao phát huy những giá trị lịch sử truyền thống để nó không bị biến thành “nhà kho” của lịch sử. Phải làm sao để mỗi di tích đều phong phú về tư liệu, phương pháp và kỹ thuật trưng bày, thuyết minh hấp dẫn, gây cảm hứng đối với du khách, đặc biệt là lớp trẻ.
Bà Trịnh Văn Bô, chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội - nơi Bác Hồ và Ban Thường vụ T.Ư Đảng được gia đình nhà đại tư sản yêu nước cưu mang đã họp và là nơi Bác khởi thảo ra bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có lần kể tôi nghe: Vào năm 1992, ông Đỗ Mười, khi đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, gặp bà và gợi ý nên dành thời gian quay lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang đầy kỷ niệm năm xưa để làm “di tích sống”, “nhân chứng sống” giúp cho nhà lưu niệm 48 Hàng Ngang sinh động hơn với du khách đến tìm hiểu, tham quan. Hiện nay ngôi nhà 3 tầng này chỉ có 1 tầng là có hiện vật, đồ đạc của gia chủ gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn lại bỏ không, trong khi đây là một phố buôn bán sầm uất vào bậc nhất Hà Nội.
Còn phần nhà mặt phố Hàng Cân thì người ta dùng để trông xe máy rất nhếch nhác. Nhân viên tại khu di tích cho biết cũng chẳng mấy khi có ai đến tham quan.
Theo tôi, đó là một ý tưởng rất hay và nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo cách mạng trọn một đời gắn bó với Đảng, với nhân dân. Đó cũng là cách làm rất đúng nếu nhìn nó dưới góc độ khoa học lịch sử ở khía cạnh góp phần bảo tồn chứng tích lịch sử sao cho lâu bền nhất.
Hồi đó, ý của Tổng bí thư Đỗ Mười là còn muốn bà Trịnh Văn Bô quay về ngôi nhà 48 Hàng Ngang, mở một cửa hàng bán tơ lụa y như lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở, bên cạnh người hướng dẫn của nhà lưu niệm sẽ có sự hiện diện của chính bà, người thật việc thật và vô cùng sống động. Bà sẽ kể thêm cho du khách tới thăm từng câu chuyện nhỏ mà chính bà là một nhân chứng sống. Như vậy chắc chắn ngôi nhà 48 Hàng Ngang sẽ không lạnh lẽo và hoang phế như hiện nay chúng ta đang thấy.
Không hiểu sao, việc này không thực hiện được để rồi ngôi nhà 48 Hàng Ngang bây giờ trở thành ngôi nhà vắng vẻ, đìu hiu mỗi tháng đón mươi khách tham quan (chủ yếu là khách ngoại quốc, hoặc khách nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam), bên ngoài thì xe máy che lấp cả đường đi rất khó chen chân. Ấy là chưa nói, nhiều khi cánh cửa sắt cũng đóng im ỉm. Nỗi buồn ấy khiến cả hướng dẫn viên chạnh lòng bởi sự hiện diện của chính mình cũng chẳng ai quan tâm.
Nên chăng, từ câu chuyện này, ngành văn hóa du lịch nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng cần nghiên cứu để sớm xây dựng mô hình di tích sống kiểu như tôi vừa nêu. Ngoài ra, cũng có thể trình chiếu thêm các thước phim tư liệu sống động về các nhân vật lịch sử đã gắn bó với di tích. Không nên để tình trạng nuôi di tích kiểu đó quá đơn điệu, và rồi chỉ 3 phút sau đã không có gì để xem thì thật mất công, mất sức của du khách.
Hành Thiện
>> Nỗi buồn di tích - Kỳ 2: Đừng để thành “nhà kho” của lịch sử
>> Nỗi buồn di tích: Hiu hắt khách tham quan
>> Nỗi buồn di tích
>> Thắng tích bên phá Tam Giang
>> Gìn giữ vẻ đẹp Huế
>> Trùng tu nhà cổ Tiên Phước và Tháp Sáng
>> Danh thắng Túy Vân Sơn nhếch nhác
Bình luận (0)