Tiểu hành tinh bề ngang khoảng 1.000m có tên (101429) 1998 VF31, và lần đầu tiên lọt vào ống kính của các nhà nghiên cứu Trái đất cách đây 22 năm. Tuy nhiên, kết quả phân tích mới cho thấy VF31 có cấu tạo vô cùng tương đồng với mặt trăng, theo trang Science Direct.
Đội ngũ khoa học gia của Đài quan sát và Cung Thiên văn Armagh ở Bắc Ireland (AOP) đã sử dụng kính viễn vọng tại Đài quan sát Nam Âu (ESO) và Kính thiên văn cực lớn (VLT) để nghiên cứu thiên thể trên.
Tác giả báo cáo, tiến sĩ Apostolos Christou của AOP cho rằng VF31 cũng có thể là một mảnh của mặt trăng, từng tách khỏi vệ tinh tự nhiên của Trái đất sau một vụ va chạm kinh hoàng trong giai đoạn hệ mặt trời hình thành khoảng 4 tỉ năm trước.
Tiểu hành tinh trên thuộc nhóm gọi là các thiên thể Trojan của sao Hỏa, và nguồn gốc của chúng luôn là một bí ẩn chưa được hóa giải của hệ mặt trời.
Nhóm Trojan này xoay quanh mặt trời trong lúc theo đuôi sao Hỏa với một góc khoảng 60° so với mặt trời, hoặc 60° về phía trước sao Hỏa.
Chúng bị mắc kẹt ở vị trí này bởi vì tác động của cái gọi là Điểm Lagrange, nơi lực hấp dẫn của những thiên thể khác nhau đạt được sự cân bằng. Kết quả là các Trojan không bao giờ xoay quanh sao Hỏa mà luôn bám theo nó.
Đội ngũ của tiến sĩ Chrisotu cho hay trong vô vàn Trojan của sao Hỏa, VF31 có cấu tạo hoàn toàn giống mặt trăng, bao gồm các hố va chạm trên bề mặt của nó, trong khi nhóm còn lại không hề có bất kỳ điểm nào tương đồng với chị Hằng.
“Hệ mặt trời vào thời điểm còn non trẻ rất khác so với những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Không gian giữa các hành tinh vừa khai sinh đầy rẫy những mảnh vụn và va chạm là chuyện xảy ra thường xuyên. Các tiểu hành tinh lớn liên tục đâm vào mặt trăng và các hành tinh khác”, theo tiến sĩ Christou.
Báo cáo sẽ được đăng trên chuyên san Icarus vào tháng 1.2021.
Bình luận (0)