Tìm ra nguyên nhân gây ra sóng 'lạ' ở Quảng Nam

Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 đã truy tìm nguyên nhân các cụm loa phát thanh ở Hội An (Quảng Nam) bị sóng 'lạ' chèn.

Chiều tối nay 29.8, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông cáo báo chí về vụ can nhiễu sóng tại Đài truyền thanh không dây P.Cẩm Châu, TP.Hội An (Quảng Nam) hôm 27.8.
Theo đó, Sở Thông tin - Truyền thông khẳng định không hề có chuyện “nhiễu sóng tiếng Trung Quốc” mà là hiện tượng nhiễu cùng kênh trên cùng tần số 104 MHz của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Kết quả này được xác định sau khi Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 (đóng tại Đà Nẵng, thuộc Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin - Truyền thông) tiến hành điều tra, xác minh nguyên nhân gây can nhiễu vào hôm nay 29.8.
Trước đó, ngay khi có thông tin về vụ nhiễu sóng, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 cũng đã triển khai hệ thống kiểm soát.
Cụ thể, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân xảy ra hiện tượng cụm Đài truyền thanh không dây P.Cẩm Châu “bị nhiễu sóng” vào trưa ngày 27.8 là do máy phát của Đài Tiếng nói Việt Nam (đặt tại núi Sơn Trà - Đà Nẵng) phát cùng trên tần số 104 MHz gây ra. Máy phát này đã được Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép sử dụng từ tháng 10.2015 cho mục đích phát sóng chương trình tiếng Anh 24/7.
Vào lúc 9 giờ sáng 27.8, Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu phát sóng thử nghiệm kênh chương trình đối ngoại (VOV5), phát 12 thứ tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Trung Quốc,… nên các cụm thu của Đài truyền thanh không dây phường Cẩm Châu (Hội An) thu được, và phát ra một số tiếng nước ngoài.
Chiều nay 29.8, sau khi Sở Thông tin - Truyền thông và Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 3 làm việc với UBND TP.Hội An, các đơn vị liên quan đã giải thích rõ nguyên nhân gây can nhiễu và đề nghị Đài truyền thanh không dây P.Cẩm Châu chuyển đổi sang tần số khác để tránh can nhiễu.
Hôm qua 28.8, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An khi xác nhận với PV Thanh Niên về hiện tượng 3 cụm loa ở hệ thống truyền thanh P.Cẩm Châu bị chèn sóng 20-25 phút đã phát ra tiếng “lạ”, nghi là tiếng Trung Quốc; tuy nhiên, ông Dũng cũng đã rất cẩn trọng khi nói rằng “nghe như tiếng Trung Quốc, nhưng chưa khẳng định được”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Nam cho rằng khi các địa phương gặp trường hợp bị chèn sóng tương tự thì báo cho cơ quan chuyên môn có đầy đủ phương tiện, thiết bị, kỹ thuật (như Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3) để xác minh, tránh đưa ra nhận định vội vàng.
Vì sao bị trùng tần số?
Về nguyên do xảy ra hiện tượng trùng tần số phát 104Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài truyền thanh P.Cẩm Châu, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Nam lý giải: Theo Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 tại Quyết định 22/2009/QĐ-TTg ngày 16.2.2009 của Thủ tướng Chính phủ, băng tần 87 - 108 Mhz đã được phân bổ cho phát thanh FM, phát thanh số mà không dành cho truyền thanh không dây.
Ngay sau khi cấp phép tần số 104Mhz cho Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 12.10.2015, Cục Tần số vô tuyến điện đã có văn bản số 2765/CTS-ADCP thông báo cho UBND P.Cẩm Châu (Hội An) về việc cấp phép tần số 104 MHz cho Đài Tiếng nói Việt Nam và đề nghị trong quá trình sử dụng nếu có can nhiễu thì địa phương có văn bản thông báo cho Cục Tần số vô tuyến điện để ấn định kênh tần số khác tránh can nhiễu, trường hợp không còn kênh tần số thì phải chuyển về đúng băng tần 54 - 68 MHz được quy hoạch cho truyền thanh không dây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.