Tìm ra nơi nghỉ dưỡng của vương phi và đế vương thời Trần?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/02/2018 08:54 GMT+7

Nghiên cứu khảo cổ học của Viện Nghiên cứu kinh thành cho thấy hành cung Lỗ Giang được quy hoạch rất quy chuẩn như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long. Đây cũng là điểm mở ra khả năng khai thác du lịch tâm linh ở địa phương.

Liên quan đến nơi ở và làm việc của vua
PGS-TS Bùi Minh Trí nhắc đi nhắc lại nhiều lần về tính vương quyền và sự quy chuẩn của mặt bằng kiến trúc hành cung Lỗ Giang (H.Hưng Hà, Thái Bình). Vị giám đốc Viện Nghiên cứu kinh thành cho biết, tính vương quyền của hành cung này đã bộc lộ rất rõ sau cuộc khai quật năm 2017.
Tính chất vương quyền này thể hiện qua các vật liệu trang trí hình rồng, qua ngói úp đầu bờ dải trang trí mặt sư tử, trên trán khắc chữ Vương, cho thấy kiến trúc này liên quan đến nơi ở và làm việc của vua. Khai quật ở Lăng Sa Trong cũng cho thấy nửa phía tây của một khuôn viên kiến trúc lớn với hệ thống 3 công trình kiến trúc gỗ bên trong gồm kiến trúc cổng, kiến trúc hình chữ Công và kiến trúc nhà dài có bộ vì 4 hàng cột. “Điều đó khẳng định rõ hành cung Lỗ Giang - Kiến Xương xưa rất rộng lớn, được quy hoạch như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long”, ông Trí nói.
Cũng theo ông Trí, mỗi hành cung trong lịch sử lại có chức năng riêng. Chẳng hạn, hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) gắn với việc vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành. Với Lỗ Giang, ông Trí cho rằng, hành cung này gắn với việc Thiên Trường (Nam Định) trở thành kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh đô Thăng Long, với đầy đủ chức năng là một trung tâm chính trị kinh tế văn hóa. Đây cũng là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. “Năm 1293, Khâm từ Bảo thánh Hoàng thái hậu băng hà. Năm 1341, vua Trần Hiến Tông băng hà ở chính tẩm, tạm quàn ở cung Kiến Xương… Như vậy, hành cung Lỗ Giang có phải là nơi ở hay nghỉ dưỡng của các vị vương phi và đế vương?”, ông Trí nêu giả thuyết.
Tìm ra nơi nghỉ dưỡng của vương phi và đế vương thời Trần ?1
Hiện vật kiến trúc tại hành cung Lỗ Giang
Ông Trí nhận định, nghiên cứu khảo cổ học ở hành cung Thiên Trường và hành cung Vũ Lâm đều tìm thấy bằng chứng sản xuất đồ gốm. “Ở Lỗ Giang đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ bao nung gốm và một số đồ gốm phế thải có niên đại vào thời Trần. Manh mối này gợi ý đến hành cung Lỗ Giang xưa cũng có thể có xưởng sản xuất đồ gốm và nó tồn tại như một dạng điền trang thái ấp của nhà Trần, trực tiếp do triều đình Thăng Long quản lý”, ông Trí nói.
Quy hoạch thành khu du lịch
Bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đưa quan điểm của tỉnh là tiếp tục nghiên cứu về hành cung Lỗ Giang và Ngữ Thiên. “Thái Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu để đẩy mạnh khẳng định giá trị văn hóa, làm động lực cho nhân dân Thái Bình phát triển kinh tế”, bà Lĩnh nói.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, đánh giá đã có thể hình dung được một khuôn viên tương đối chính xác, gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu cho khu vực này. Chẳng hạn, một số vật liệu kiến trúc có ở Thăng Long cũng đã xuất hiện tại đây tuy có khác một chút. Cũng theo ông, đã có thể tính đến chuyện bảo tồn di tích tại chỗ và nếu có thể thì mở rộng khai quật.
Trong khi đó, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, đánh giá tìm thấy hành cung Lỗ Giang chính là hoạt động khảo cổ học lớn nhất của Thái Bình trong thời gian gần đây.
GS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng ngạc nhiên vì tính rộng lớn của công trình. Mặc dù vậy, theo ông Kim, hiện tầng văn hóa tương đối mỏng do ảnh hưởng của quá trình bà con nông dân canh tác. “Tôi nghĩ cần tính đến việc so sánh hành cung với điền trang thái ấp thời Trần. Cũng nên so sánh các hiện vật ở đây với thương cảng Vân Đồn vì hành cung này chắc sẽ dựa trên nền kinh tế vững chắc của thời đại khi đó. So sánh như vậy để nhìn thấy ảnh hưởng của thủ công nghiệp, gốm sứ cũng như không loại trừ khả năng của thương nghiệp”, ông Kim nói.
Ông Đỗ Văn Bình, Phó chủ tịch UBND H.Hưng Hà, phụ trách văn hóa xã hội, cho biết địa phương đã được giao làm mái che cho di tích ngay. Hiện tại, đây là mái che đẹp và vững chãi nhất miền Bắc, hơn cả mái che của Hoàng thành Thăng Long. “Chúng tôi còn có ý tưởng chiếu phim 3D mô phỏng giới thiệu khoa học để hình dung về hành cung Lỗ Giang. Toàn bộ khu vực này được thu hồi đất vĩnh viễn để có cơ sở pháp lý lập khu bảo tồn. Đất xung quanh dự định sẽ chuyển đổi cây trồng. Hiện bà con cấy lúa nhưng tới đây sẽ xin tỉnh cho chuyển sang trồng cây lâu năm để hình thành một vùng trồng cây lâu năm, cây ăn quả hoặc cây bóng mát”.
Cũng theo ông Bình, về mặt giao thông, tỉnh đã chấp nhận chủ trương làm đường kết nối từ đầu cầu Tịnh Xuyên qua di tích này, nối tiếp về khu di tích Lê Quý Đôn và xa hơn một chút là đền Trần. “Như vậy sẽ nối tất cả thành một cụm di tích. Trong chương trình khảo cổ sẽ tiến hành khảo cổ tiếp hành cung Ngữ Thiên cách đây 9 km”, ông Bình nói.
Trước mắt, ông Bùi Minh Trí cho biết sẽ tiếp tục khai quật và làm hồ sơ để hướng tới việc xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt cho hành cung này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.