Tìm thấy kho báu dưới lòng đại dương

11/10/2011 22:33 GMT+7

Chỉ trong vòng hai tuần, một công ty của Mỹ đã tìm thấy hai xác tàu chứa những kho báu trị giá hơn 100 triệu euro.

Ngày 10.10, Công ty Odyssey Marine Exploration (OME) có trụ sở tại Florida, Mỹ thông báo tìm thấy tại vùng biển phía bắc Đại Tây Dương một xác tàu cùng 18 tấn bạc, trị giá khoảng 14 triệu euro. Theo AFP, đây là tàu SS Mantola của Anh bị tàu ngầm Đức bắn chìm năm 1917. Khoảng 2 tuần, công ty chuyên tìm kiếm kho báu này đã xác định được vị trí của một tàu Anh khác là SS Gairsoppa, đắm năm 1941 ngoài khơi Ireland.

Ngủ yên cùng SS Gairsoppa ở độ sâu 4.700 mét từ 70 năm qua là 240 tấn bạc nén có giá lên đến 150 triệu euro. Việc trục vớt kho báu của tàu SS Gairsoppa có thể bắt đầu từ đầu năm sau. Theo thỏa thuận trước đó, Công ty OME sẽ giữ lại 80% số hiện vật thu được từ 2 tàu, phần còn lại sẽ thuộc về Chính phủ Anh.

Nghề săn kho báu

Tưởng chừng như nghề tìm kiếm kho báu dưới đại dương chỉ xuất hiện trong phim ảnh nhưng thật ra nó là một ngành có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ. Công ty OME thậm chí còn đường hoàng hiện diện tại sàn chứng khoán Phố Wall. Các cuộc tìm kiếm cũng không đậm chất phiêu lưu may rủi như trên màn ảnh mà được lên kế hoạch kỹ càng, đầu tư công phu cùng sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật.

Theo tờ Le Figaro, vào tháng 9.2003, Công ty OME đã tìm thấy  tàu Republic của Mỹ chìm năm 1865 ở vùng biển ngoài khơi Georgia. Trên tàu có một kho báu gồm các đống vàng và bạc trị giá khoảng 120-200 triệu USD. Khi đó, hãng này được quyền giữ lại 90% kho báu và vụ khám phá giúp giá cổ phiếu của OME tăng vọt. Các chuyên gia kinh tế đánh giá 20 triệu USD chi phí cho cuộc tìm kiếm chỉ là “giọt nước” so với lợi nhuận khổng lồ mà tàu Republic mang lại cho công ty.


Một phần trong kho báu của tàu Republic 

Ngoài vàng, bạc nén, tiền cắc, đá quý..., các xác tàu dưới lòng đại dương còn đầy những hiện vật giá trị khác như súng đại bác, cổ vật chạm khắc tinh xảo và kim loại thô. Tính đến nay, hãng Blue Water Recoveries của Anh, thành lập năm 1995, đã thu được 23.000 tấn kim loại quý từ các xác tàu.

Chưa có thống kê về số lượng các hãng tìm kho báu trên thế giới vì không phải ai cũng hoạt động công khai. Nhiều công ty tìm kiếm lậu để có thể độc chiếm những gì tìm được.

Mò kim đáy bể

Theo UNESCO, có khoảng 3 triệu tàu đang “an nghỉ” trong lòng đại dương nhưng đồng sáng lập Công ty OME là John Morris nhận định với Le Figaro rằng “chỉ trên dưới 30 xác tàu thật sự đáng giá để đầu tư tìm kiếm, trục vớt”. Trên thực tế, việc săn lùng kho báu từ các xác tàu vẫn là “mò kim đáy bể”. Để dò tìm và xác định vị trí tàu ở độ sâu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét, các công ty phải đầu tư rất lớn: nghiên cứu tư liệu, sử dụng thiết bị tối tân và mỗi hành trình săn kho báu thường mất từ vài tháng đến vài năm. Ngoài ra, sự phổ biến của các công nghệ hiện đại khiến sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

Một khó khăn khác là luật pháp ngày càng trở nên nghiêm ngặt trong việc thương mại hóa các kho báu dưới biển. Trên nguyên tắc, mọi hiện vật tìm thấy đều phải được kê khai và các hãng chỉ được giữ lại kho báu được phát hiện ở vùng biển quốc tế. Nếu không có thỏa thuận trước, những gì tìm thấy trên tàu nằm ở hải phận nước nào sẽ được xử lý theo luật pháp nước đó. Chẳng hạn, Pháp quy định mọi tài sản tìm thấy trong lãnh hải của mình “đều thuộc về nhà nước” và người phát hiện sẽ nhận một khoản tiền thưởng. Tuy nhiên, việc tìm “lén” kho báu dưới biển vẫn diễn ra. UNESCO thống kê trong 10 năm qua, có gần 30 xác tàu bị khai thác trái phép ở châu Á với khoảng 1,5 triệu hiện vật bị lấy mất và trôi nổi trên thị trường chợ đen.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.