Tìm thấy thanh kiếm đồng 3.000 năm sáng loáng có dấu ấn pharaoh Ai Cập

20/09/2024 10:36 GMT+7

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một thanh kiếm đồng hơn 3.000 năm nhưng vẫn sáng loáng và có biểu tượng của pharaoh Ramses II tại Ai Cập.

Một nhóm nhà khảo cổ học đã khai quật pháo đài cổ tại vùng đồng bằng sông Nile ở Ai Cập và phát hiện thanh kiếm đồng trong tháng này, theo tờ The Washington Post. Dù được xác định có niên đại hơn 3.000 năm, thanh kiếm vẫn sáng loáng sau khi được làm sạch.

Tìm thấy thanh kiếm đồng 3.000 năm sáng loáng có dấu ấn pharaoh Ai Cập- Ảnh 1.

Thanh kiếm bằng đồng có chữ tượng hình liên quan pharaoh Ramses II

ẢNH: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Trên thanh kiếm có khắc hình vỏ đạn, biểu tượng được các pharaoh sử dụng, và chữ tượng hình tên của vua Ramses II, trị vì tại Ai Cập từ năm 1279-1213 trước Công nguyên.

Theo chuyên san Popular Science, Ramses II là pharaoh trị vì lâu thứ hai trong lịch sử Ai Cập, nổi bật với nỗ lực xây dựng các công trình và các cuộc chiến với người Hittite và các bộ lạc hải tặc. Được biết đến là Ramses Đại đế, vị pharaoh được ghi nhận là người mở rộng bờ cõi Ai Cập ra hướng đông đến tận lãnh thổ của Syria ngày nay và xuống hướng nam đến Sudan. Sức ảnh hưởng và sự giàu có của vua Ramses được lan tỏa khắp Ai Cập theo bằng chứng mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy gần đây.

Lời giải cho bí ẩn vận chuyển khối đá xây kim tự tháp Ai Cập

Thanh kiếm được tìm thấy cùng nhiều cổ vật khác tại khu khảo cổ Tel Al-Abqain gần bờ biển tây bắc Ai Cập, nơi có thể đã bị lực lượng đối địch của Ai Cập xâm nhập.

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy hai khối đá vôi được chạm trổ. Một trong hai khối đá có khắc chữ tượng hình nhắc đến vua Ramses II và một quan chức tên Bay.

Theo Tổng thư ký Hội đồng Tối cao về Khảo cổ Ai Cập Mohamed Ismail Khaled, pháo đài nơi các cổ vật được tìm thấy là một căn cứ quân sự quan trọng trong giai đoạn 1550-1070 trước Công nguyên. Căn cứ được xây dựng nhằm bảo vệ biên giới tây bắc Ai Cập trước các cuộc tấn công của những bộ lạc Libya và các dân tộc biển, liên minh hải tặc hay gây chiến tại đông Địa Trung Hải vào cuối thời kỳ đồ đồng.

Với việc được tiếp tế đầy đủ, các binh sĩ tại pháo đài trên có thể đã phòng thủ thành công trước cuộc xâm chiếm. Song, các nhà khảo cổ học không chắc về việc vì sao căn cứ này bị bỏ lại với nhiều vật thể như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.