Tìm 'thuốc' cho thị trường vàng

29/05/2024 06:20 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước vừa tuyên bố dừng đấu thầu vàng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3.6. Vậy giải pháp nào có thể bình ổn được thị trường vàng trong thời gian tới?

Giải quyết nguồn cung thế nào?

Để giải quyết chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước, từ ngày 19.4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện 9 phiên đấu thầu vàng, trong đó có 6 phiên trúng thầu với khối lượng 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Thế nhưng giá vàng trong nước lại đắt hơn giá thế giới khoảng 18 - 18,5 triệu đồng/lượng. Đáng nói, sau khi NHNN thông báo dừng đấu thầu, giá vàng miếng SJC ngày 28.5 tăng vọt lên 90 - 90,5 triệu đồng mỗi lượng ở chiều bán ra, mua vào lên 88,4 - 88,5 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 - 700.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới lại quay đầu giảm 8 USD/ounce, xuống còn 2.344 USD/ounce. Điều này dẫn đến giá vàng miếng SJC cao hơn quốc tế lên gần 18,5 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc NHNN ngưng đấu thầu vàng chứng tỏ giải pháp này không giải quyết được vấn đề chênh lệch giá trong và ngoài nước cũng như không đạt được mục đích đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân. Để bình ổn thị trường vàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng "cần chẩn đúng bệnh thì chữa trị mới đúng". Theo ông, vấn đề của thị trường vàng là nguồn cung hạn hẹp khiến giá tăng cao nên cần cho phép việc nhập khẩu để giải quyết vấn đề cung vàng trong nước.

Tìm 'thuốc' cho thị trường vàng- Ảnh 1.

Cơ quan quản lý sẽ có biện pháp khác thay cho đấu thầu để bình ổn giá vàng

Ngọc Thắng

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cũng lý giải sở dĩ giá vàng trong nước đắt đỏ do nguồn vàng khan hiếm, trong khi nhu cầu tăng cao. Vậy làm sao để tăng cung? Một giải pháp hiệu quả là nhập khẩu vàng nguyên liệu. Có 2 cách để thực hiện giải pháp này: NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu và bán lại cho các doanh nghiệp (có điều kiện); hoặc cho phép doanh nghiệp, ngân hàng được nhập khẩu vàng nguyên liệu. 

"Việc thanh tra các đơn vị kinh doanh vàng hiện nay cũng là một biện pháp cần thiết để có thể đánh giá tình hình thị trường, nhu cầu sử dụng vàng, cũng như lượng vàng của các công ty. Điều này phần nào giúp thị trường vàng được minh bạch hơn", ông Khánh nói nhưng đồng thời thừa nhận khó có thể nắm được lượng vàng trong dân tích trữ từ vài chục năm nay. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2013 - 2014, NHNN đấu thầu vàng, cung ra thị trường gần 70 tấn vàng, trong đó hơn 30 tấn được các ngân hàng tất toán cho các trạng thái, còn lại 40 tấn bán ra thị trường giải quyết nhu cầu người dân và nguồn này cũng là rất lớn.

Giá vàng SJC vẫn cao dù đã bán ra 1,8 tấn 

Sớm sửa đổi Nghị định 24

Tuy nhiên ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng việc nhập khẩu vàng nguyên liệu chỉ giải tỏa được nguồn hàng cho trang sức mỹ nghệ (vàng nhẫn), còn đối với vàng miếng SJC hiện nay đang độc quyền nên chỉ có NHNN mới giải quyết được. Trong trường hợp xóa bỏ độc quyền, cho phép các thương hiệu vàng miếng khác tham gia thị trường thì người mua sẽ không quá tập trung vào vàng miếng SJC. Vì thế, chỉ có sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng mới có thể có những giải pháp căn cơ cho thị trường vàng.

Tiếp tục giữ quan điểm về việc cần thiết sửa đổi Nghị định 24, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh rằng trước khi có Nghị định 24, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ khoảng 400.000 đồng/lượng nhưng hiện nay là 3 - 5 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn, vàng miếng SJC là 17 - 20 triệu đồng/lượng. Nghị định 24 đã không còn phù hợp khi tình trạng vàng hóa không còn nữa vì đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay trong các ngân hàng. Vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng cao đến mức phi lý. 

"Lâu nay chúng ta không nhập khẩu vàng nguyên liệu trong khi nhu cầu trong nước vẫn có. Cung thấp hơn nhiều so với cầu, và để bù đắp nhu cầu này, người ta phải nhập lậu vàng hoặc là tăng giá vàng lên. Cũng vì chúng ta không cho nhập khẩu vàng nên tạo ra chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, đặc biệt là vàng miếng thương hiệu SJC. Điều này càng khiến tình trạng nhập lậu trở nên nghiêm trọng hơn", ông Nghĩa phân tích và nhấn mạnh cần có cách tiếp cận khác với thị trường vàng, cần quản lý như một hoạt động thương mại và theo chính sách thương mại.

Lâu nay chúng ta không nhập khẩu vàng nguyên liệu trong khi nhu cầu trong nước vẫn có. Cung thấp hơn nhiều so với cầu, và để bù đắp nhu cầu này, người ta phải nhập lậu vàng hoặc là tăng giá vàng lên. Cũng vì chúng ta không cho nhập khẩu vàng nên tạo ra chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, đặc biệt là vàng miếng thương hiệu SJC. Điều này càng khiến tình trạng nhập lậu trở nên nghiêm trọng hơn.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia

Theo TS Nghĩa, cần sửa Nghị định 24, trong đó bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đồng thời, trả lại thương hiệu SJC về cho Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn. Khi làm điều này, giá vàng SJC trên thị trường sẽ giảm xuống như vàng 9999 bình thường, hoặc đắt hơn một chút do có thương hiệu nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẽ thu hẹp lại đáng kể. 

Còn nếu để tình trạng hiện nay kéo dài, với ước tính của Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu vàng của VN mỗi năm là khoảng 50 tấn (tương đương 1,33 triệu lượng vàng), không qua đường chính thức thì chỉ có nhập lậu. Tính sơ bộ, bình quân chênh lệch giá vàng (cả SJC và các loại vàng khác) so với vàng thế giới là 10 triệu đồng/lượng thì mỗi năm, chúng ta đã mất 13.300 tỉ đồng cho buôn lậu. 

Trong khi đó, nếu cho nhập khẩu chính thức, Chính phủ có thể tăng thu ngân sách qua công cụ thuế; doanh nghiệp và người dân được mua vàng với giá vàng như thế giới. Còn như hiện nay, ngân sách không được gì còn doanh nghiệp và người dân đều phải mua vàng với giá đắt đỏ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Hiếu khẳng định một số biện pháp có thể thực hiện để bình ổn thị trường, rút ngắn mức chênh lệch trong và ngoài nước là xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho nhiều thương hiệu khác tham gia thị trường, lúc này người dân có nhiều lựa chọn thương hiệu vàng để mua, giá cả sẽ giảm hơn. Đồng thời, thực hiện áp thuế đối với cá nhân giao dịch vàng để hạ cơn sốt vàng. 

"Vàng như một kênh đầu tư nhưng hiện nay chưa thấy áp dụng thuế như các loại hình khác như bất động sản, chứng khoán. Thêm vào đó, để tránh tình trạng thị trường ngầm thì các giao dịch cần phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Khi các giao dịch được rõ ràng, minh bạch sẽ tránh được tình trạng vàng trôi nổi, không nguồn gốc, vàng lậu… trên thị trường", ông Hiếu nói.

Để giá vàng được rõ ràng, minh bạch thì các giao dịch vàng cần được thực hiện qua sàn. Ở đây, có 2 giải pháp muốn thực hiện được cần phải sửa đổi Nghị định 24 đó là xóa bỏ độc quyền và lập sàn vàng. Còn việc cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu có thể thực hiện được ngay.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.