Tìm tiếng nói chung với nhà đầu tư

08/12/2012 09:48 GMT+7

Hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại du lịch ĐBSCL là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2012 (MDEC Tiền Giang) đang diễn ra tại TP.Mỹ Tho. Đây là dịp để nhà đầu tư và các địa phương trao đổi về chính sách, tiềm năng, cơ hội, khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho ĐBSCL.

Nhiều kết quả khả quan

ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển. Trong 10 năm qua, toàn vùng đã thành lập mới 11 khu công nghiệp, thu hút 225 dự án (DA), trong đó có 150 DA đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 2.650 tỉ đồng và 75 DA đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 616 triệu USD. Tính từ khi MDEC được tổ chức tại TP.Cần Thơ năm 2008 đến nay, toàn vùng đã thu hút được khoảng 635 DA đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 554 DA trong nước (tổng vốn đầu tư là 229.959 tỉ đồng) và 81 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài (tổng vốn đăng ký là 5.038 triệu USD). Nhiều DA đầu tư vào khai thác lợi thế của vùng như: sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản, các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, phân bón)... đã tạo ra bộ mặt mặt mới cho kinh tế ĐBSCL. Trong khi đó, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, kim ngạch xuất khẩu vùng tăng từ 5,097 tỉ USD năm 2008 lên 8,07 tỉ USD năm 2011. Thông qua MDEC, nhiều doanh nghiệp đến đầu tư các DA về du lịch, đến nay có 5 DA triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng với tổng vốn trên 300 tỉ đồng…

 
Trao chứng nhận đầu tư tại MDEC Tiền Giang

Tuy nhiên, phân tích của các đại biểu cho thấy tồn tại lớn nhất của khu vực vẫn là trình độ dân trí thấp, thu nhập bình quân đầu người đang được xếp ở nhóm thấp so với cả nước. Theo ông Lê Văn Hưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, những tồn tại trên một phần là do việc phân bổ nguồn lực đầu tư từ phía T.Ư, các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút đầu tư nhằm tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền còn nhiều bất cập. “Quyết định đầu tư là quyết định tăng trưởng. Muốn tăng trưởng thì phải có vốn phù hợp, trong khi ĐBSCL luôn luôn thiếu thốn. Vì vậy công tác xúc tiến đầu tư rất quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, các địa phương trong vùng đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng”, ông Hưởng nhấn mạnh.

 
Khách nước ngoài đang nghe giới thiệu về đặc sản du lịch tại cù lao Thới Sơn (Tiền Giang)

Cần cơ chế, chính sách phù hợp

MDEC Tiền Giang cũng nêu ra hạn chế lớn nhất hiện nay là hiệu quả xúc tiến du lịch chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm về du lịch không nhiều. Hoạt động xúc tiến du lịch chưa liên kết được các địa phương để hình thành các tour tuyến và các sản phẩm du lịch chung của vùng ĐBSCL. Việc xã hội hóa trong đầu tư kinh doanh khai thác các DA du lịch còn nhiều hạn chế, thiếu nhà đầu tư các loại hình dịch vụ du lịch chuyên nghiệp nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa thể hiện rõ tính đặc thù của từng nơi. Nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về nghiệp vụ chuyên môn. Trong khi đó, xúc tiến đầu tư cũng “vấp” phải những vấn đề như: thiếu đất sạch, thủ tục hành chính rườm rà, thông tin xúc tiến vẫn còn thiếu, thiếu tiếng nói chung giữa địa phương và nhà đầu tư... Ngay những DA đã được cấp phép đầu tư những cũng chậm tiến độ do thiếu mặt bằng, thiếu vốn. 

MDEC Tiền Giang đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2015, tập trung kêu gọi 137 DA đầu tư, với tổng vốn đầu tư 118.224 tỉ đồng và 698 triệu USD. Qua đó, xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế, sản xuất lương thực, thủy sản trọng điểm cả nước. Theo các đại biểu, để đạt được những mục tiêu trên, bên cạnh việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của các địa phương, ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động cao nhất các nguồn lực. Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ khẳng định: “Thu hút đầu tư có chọn lọc các DA khai thác thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản là mục tiêu hàng đầu của ĐBSCL. Song song đó phải tập trung cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn nhà đầu tư, tạo sự thông thoáng để mời gọi đầu tư”. Cũng theo ông Sương, việc tranh thủ hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung hiện nay cũng là vấn cốt lõi để nâng hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.

Đ.Tuyển – H.Phương

>> MDEC Tiền Giang: Tạo cơ hội thúc đẩy ĐBSCL phát triển
>> Những hoạt động chính tại MDEC - Tiền Giang 2012
>> 137 dự án kêu gọi đầu tư tại MDEC-Tiền Giang 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.