Tìm trường cho trẻ tự kỷ: Mò kim đáy bể

08/06/2010 11:15 GMT+7

(TNO) Nếu như việc chọn được một ngôi trường tốt cho những đứa con bình thường đã gian truân với các bậc phụ huynh, chuyện “chạy” được một nơi thích hợp chấp nhận đứa con tự kỷ lại là điều xa vời với hầu hết những người cha, người mẹ đã sinh ra chúng.

Phụ huynh “chạy”

Tại hội thảo “Trường học nào cho trẻ tự kỷ” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển cùng các nhóm cha mẹ có con trẻ tự kỷ tổ chức tại TP.HCM hồi cuối tuần qua, chị T.A, mẹ của một bé tự kỷ đã kể lại trong nghẹn ngào quá trình chạy đôn chạy đáo cả chục trường mầm non, mong có một chỗ nhận đứa con nay đã 5 tuổi của chị. Có nơi từ chối ngay, có nơi lắc đầu sau một buổi cho bé vô thử, có nơi đồng ý nhận nhưng chị đành ngậm ngùi dắt con về bởi bé không được sự hỗ trợ cần thiết…

 
Tập vận động cho trẻ tự kỷ ở Trường mầm non Tuổi Ngọc - Ảnh: Đ.N

Đâu đó dưới hội trường chật kín với hơn 400 người, những ông bố, bà mẹ lặng lẽ đưa tay lau nước mắt. Nhưng chẳng có ai ngạc nhiên, bởi hành trình đi tìm trường cho những đứa con của họ cũng đầy chông gai và đẫm nước mắt.

Anh T.B (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ khi đứa con trai của anh được 2 tuổi, anh bắt đầu phát hiện thấy bé có điều gì đó không ổn, bởi bé không bao giờ quay đầu lại khi người khác gọi bé, bởi bé chẳng bao giờ biết nói “ba ơi”, “mẹ ơi” hay bất kỳ từ nào, bởi bé suốt ngày quay vòng vòng như cái chong chóng… Anh đã đưa bé đi khám nhiều nơi nhưng vào thời điềm cách đây 5 năm, chẳng ai nói cho anh biết là bé bị tự kỷ, một chẩn đoán mà anh mới biết đến sau này. Lúc đó, dù rất hoang mang nhưng anh vẫn cứ bám víu vào hy vọng bé chỉ cá biệt hơn những đứa trẻ khác một tí và chậm nói hơn một tí mà thôi. Và khi con của mình lên 3, cũng như bao phụ huynh khác, anh cho bé đi học.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng Đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết tự kỷ là một khiếm khuyết thần kinh kéo dài suốt đời mà nguyên nhân chưa được xác định. Số trẻ được chẩn đoán tự kỷ ngày càng gia tăng. Chẳng hạn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu như năm 2003 chỉ có 2 trẻ được chẩn đoán tự kỷ thì con số đó trong những năm gần đây ở mức trung bình là 400.

Ngôi trường đầu tiên là một nhà trẻ tư thục cao cấp gần nhà. Sau buổi học đầu tiên, anh háo hức đến đón con về. Trên đùi đứa bé là 10 dấu ngón tay còn in rất rõ. Cô giáo đứng lớp sau đó đã bị kỷ luật bằng cách trừ tiền thưởng tháng đó. Còn anh thì được một "bản án": con anh bị khai trừ khỏi trường bởi các cô “chưa từng thấy một đứa bé nào khó bảo đến thế”.

Rút kinh nghiệm cho những lần tìm trường sau, anh luôn nói trước những điểm khác thường của bé với ban giám hiệu và câu trả lời thường gặp nhất là “xin lỗi, chúng tôi không thể nhận con anh”. Sau khi nhận được 5 “lời xin lỗi”, cuối cùng anh đã có được cái gật đầu ở một ngôi trường tư thục có vẻ rất lý tưởng: lớp 20 bé với 2 cô và một bảo mẫu. Nhưng cũng chỉ được 1 tuần. Bé H. con anh không giao tiếp được với ai mà không cô nào có thể giúp đỡ bé vì cô hoàn toàn không hiểu bé, cũng không có một kỹ năng nào để dạy bé tự kỷ. Đứa trẻ thì sáng nào cũng co dúm người lại khi vào lớp.

 
Hình ảnh - công cụ được tận dụng tối đa với nhiều trẻ tự kỷ không nói được - Ảnh: Đ.N

Đến đây, anh gạt nước mắt rẽ qua một hướng khác: trường chuyên biệt. Tìm hiểu kỹ, anh biết mỗi quận trong thành phố đều có một trường chuyên biệt công lập. Nhưng vẫn là những lớp học đông đúc với 1, 2 hoặc 3 cô. Học sinh thì thuộc đủ dạng khuyết tật khác nhau như khiếm thị, khiếm thính, hội chứng Down, chậm phát triển trí tuệ… Hơn ai hết, anh hiểu rõ ở đó không có chỗ cho con anh, một đứa trẻ cứ như đến từ hành tinh khác với nhưng cư xử quá khác thường, hễ có gì không vừa ý là đập đầu vào tường, suốt ngày nhảy lên bàn, lên ghế không lúc nào ngồi im như là có gắn lò xo ở chân…

Anh đành đưa con về nhà, lao vào internet, vào những buổi hội thảo hiếm hoi về trẻ tự kỷ, vào đống sách đặt mua ở nước ngoài để cố gắng phá vỡ lớp tường thành kiên cố quanh đứa bé mà hiểu bé, rồi tự tìm cô giáo, đào tạo lại cho cô giáo để dạy bé tại nhà. Sau 2 năm ròng rã, thử đủ mọi cách với bao lần thất bại ê chề, anh đã nhận được những phần thưởng vô bờ bến từ bé: bé biết nhìn ba, nhìn mẹ, biết quay đầu lại khi anh gọi bé, biết kiểm soát vệ sinh…

Nhưng anh vẫn cứ ao ước có thể cho con quyền được đến trường, mở ra cánh cửa cho bé hòa nhập vào xã hội. Mong ước tưởng chừng giản dị ấy sao mà xa vời với con anh đến thế!

Trường mầm non “trốn”

Không tìm được trường thích hợp cho con, chị Phạm Thị Kim Tâm (Thanh Đa, TP.HCM) chọn con đường duy nhất còn lại: mở trường cho con học. Sau một thời gian dài chuẩn bị với một phụ huynh có con tự kỷ khác là chị Trần Hồng Anh, ngôi trường mầm non Tuổi Ngọc ra đời.

 
Giờ học của một bé tự kỷ - Ảnh: Đ.N

Đã qua gần 2 năm hoạt động, Tuổi Ngọc là nơi chung vai với phụ huynh gánh lấy những nặng nhọc, vất vả trong việc dạy dỗ, chăm sóc các bé tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, là nơi chương trình dạy được xây dựng riêng cho từng bé dựa vào khả năng của bé, là nơi tỉ lệ giữa giáo viên và học sinh là 1-1…

Nhưng trường cũng chỉ nhận tối đa 30 bé. Chị Tâm cho biết chỉ có thể quản lý tốt được ở quy mô đó, bởi việc chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ rất khó khăn, việc tìm được cô giáo dạy trẻ tự kỷ càng khó khăn hơn nữa. Bởi thế, trường cứ phải liên tục từ chối các phụ huynh muốn gửi con, dù không muốn tí nào. Cách duy nhất mà chị có thể làm được là hướng dẫn phụ huynh cách về nhà tự dạy con mình.

Chị T. người tự nhận là mình đã trúng số khi được một suất cho con học ở trường Tuổi Ngọc vẫn đầy tâm tư: “Đó chỉ mới là trường mầm non. Đành rằng trường vẫn đang dạy nhiều bé đã quá cái tuổi mầm non, nhưng khi con tôi đến tuổi mười mấy đôi mươi và sau đó nữa, bé sẽ đi đâu, về đâu. Rồi khi chúng tôi chết đi, con tôi sẽ ra sao…”

Một vài ngôi trường khác của các phụ huynh, đếm được trên đầu ngón tay, cũng đã ra đời với mục đích tương tự, nhưng với quy mô còn nhỏ hơn, chẳng hạn như trung tâm Albert Einstein ở Hà Nội với 10 học sinh và 9 giáo viên. Vẫn là những cú điện thoại liên tục gọi đến, những lời năn nỉ kèm theo bao nhiêu nước mắt của những ông bố, bà mẹ đã “chạy” đến cùng đường. Nhưng chị Nguyễn Thị Mai Anh, đồng sáng lập trường cho biết không có khả năng mở rộng quy mô nên không còn cách nào khác là lắc đầu.

Cũng có những ngôi trường do các chuyên gia về giáo dục đặc biệt mở ra như Trường chuyên biệt Ước Mơ (quận 10, TP.HCM) do thạc sĩ Trần Phương Dung, nguyên phó trưởng khoa Giáo dục đặc biệt của trường Cao đẳng sư phạm trung ương TP.HCM lập nên. Là một chuyên gia về tâm lý, cô Dung chia sẻ cô rất sợ nhiều phụ huynh biết đến trường mình, bởi cô hiểu rõ cảm giác nặng nề của những người cha, người mẹ đã quá đau khổ với đứa con tự kỷ lại phải nhận thêm một lời từ chối.

Một ngôi trường mầm non khác là S.M, ở quận 3, TP.HCM, nơi nhận khoảng 50 trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ cũng luôn trong tình trạng quá tải với danh sách chờ dài dằng dẵng. Cô phụ trách chuyên môn xua tay lia lịa: “Đừng đưa S.M lên báo nhé, chúng tôi đã rất sợ phải từ chối”.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.