Xe

Tìm ưu đãi cho xe buýt chạy gas

07/04/2016 20:01 GMT+7

Ngày 6.4, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo sử dụng nhiên liệu CNG (khí gas) trong giao thông vận tải khu vực miền Nam.

Ngày 6.4, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo sử dụng nhiên liệu CNG (khí gas) trong giao thông vận tải khu vực miền Nam.

TP.HCM vừa đưa thêm 21 xe buýt CNG vào hoạt động - Ảnh: Đình MườiTP.HCM vừa đưa thêm 21 xe buýt CNG vào hoạt động - Ảnh: Đình Mười
Hội thảo do Sở GTVT TP, Tổng công ty cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), Công ty CP kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PVGas South) tổ chức.
“Rất phấn khởi”
Từ năm 2011, TP.HCM đã thí điểm đầu tư mới 21 xe buýt CNG nhập từ Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) phục vụ hành khách trên tuyến Bến Thành - Bình Tây (tuyến số 1). PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường đại học GTVT, cho biết kết quả khảo sát 3 xe buýt CNG trên tuyến số 1 rất đáng phấn khởi. Trung bình 1 xe tiêu thụ 39,56 kg CNG/100 km, sau 1 năm chạy thử nghiệm, các xe đã tiết kiệm được hơn 2 tỉ đồng (23% chi phí nhiên liệu) so với xe chạy dầu diesel trên cùng cự ly. Bên cạnh đó, so với động cơ xăng và dầu diesel thì sử dụng khí CNG động cơ vận hành êm, các khí thải độc hại giảm 53 - 63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen…
Về nguồn khí CNG, ông Trần Văn Nghị, Phó tổng giám đốc PVGas South, cho biết hiện VN có trữ lượng khí thiên nhiên (Natural Gas) lớn, khoảng 2,694 tỉ m3. Số lượng phát hiện được là 962 tỉ m3, từ các mỏ: Bạch Hổ, Nam Côn Sơn, Cà Mau - Thổ Chu… Tính tới tháng 3.2016 có 2 trạm mẹ gồm 1 trạm tại KCN Mỹ Xuân - Bà Rịa-Vũng Tàu với công suất 120 triệu m3/năm, 1 trạm tại KCN Hiệp Phước (TP.HCM) công suất 30 triệu m3/năm. Số lượng trạm con là 7 trạm, trong đó có 3 tại Vũng Tàu, 4 tại TP.HCM. Dự kiến đến cuối năm 2016, PVGas South sẽ cung cấp CNG cho khoảng 229 xe buýt với khoảng 8 triệu m3. Vì thế, nguồn CNG không thiếu.
Tăng trợ giá, đầu tư thêm trạm…
Ông Trần Văn Quan, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết với hơn 3 triệu người, trong đó 700.000 công nhân, 700.000 sinh viên - học sinh, nhu cầu vận tải xe buýt rất lớn. Sở đã 2 lần trình UBND tỉnh đề án xe CNG để giảm ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Ông Quan đề nghị TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cần kết hợp đề xuất Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn như giảm thuế nhập khẩu xe, linh kiện, chi phí đầu tư xe...
Lợi ích của xe buýt sử dụng khí CNG quá rõ ràng nhưng giá xe quá cao, TP.HCM là 125.000 USD/xe, Hà Nội là 350.000 USD/xe đang cản trở việc đưa loại hình xe này vào hoạt động vận tải hành khách công cộng.
Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, trước đây do giá dầu cao nên nhà đầu tư mua xe CNG trông chờ vào khoản chênh lệch 30 - 40% giữa CNG và dầu diesel. Thế nhưng, hiện giá dầu đã giảm mạnh nên họ trở nên dè dặt hơn. Vì vậy, để khuyến khích đầu tư xe CNG, nhà nước cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng, như trợ giá xe CNG phải cao hơn xe buýt chạy dầu; tăng thời hạn sử dụng xe CNG hơn mức 20 năm hiện nay. Đặc biệt, ưu đãi 5%/năm (0,4% mỗi tháng) phải được thực hiện trực tiếp mỗi tháng chứ không phải sau 1 năm mới được lãnh như hiện nay, gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Vấn đề đầu tư các trạm nạp CNG, ông Hải cho biết hiện vẫn còn thiếu và bất cập rất nhiều. Toàn TP.HCM chỉ mới có 4 trạm khiến mỗi lần nạp xe buýt phải di chuyển xa, nhiều khi giữa đường thì hết gas khiến xe phải nằm đường, thuê xe kéo rất vất vả. Những trạm CNG tại TP.HCM hiện nay do chính các doanh nghiệp xe buýt đi tìm và hỗ trợ PVGas South đặt chứ nhà nước chưa bố trí.
Theo ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc Samco, do số trạm nạp còn ít, giới hạn về hạ tầng, nên khi nạp đầy khí gas, xe cũng chỉ chạy trong bán kính 150 - 200 km.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.