Tim và tình yêu với người khuyết tật

07/11/2017 10:10 GMT+7

Một dự án dành cho người khuyết tật, trẻ bại não trị giá hàng triệu USD dần hình thành ở tỉnh Đắk Nông. Và người thực hiện nó, không phải ai xa lạ chính là cô Tim Aline Rebeaud, tên Việt là Hoàng Nữ Ngọc Tim.

Cưu mang hàng trăm trẻ
Nhập quốc tịch VN, dân tộc “Thụy Sĩ”
Năm 1993, khi ngoài tuổi 20, Tim từ Thụy Sĩ đi du lịch qua Bắc Âu, Liên Xô, Mông Cổ, Trung Quốc và tới VN. Một đêm tại một hẻm nhỏ ở TP.HCM, Tim gặp một em bé tên Dũng bị đói và ốm yếu ngồi cạnh đống rác. Cô đã chăm sóc cho Dũng và đây chính là cơ duyên để Tim thành lập NMM có trụ sở tại P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân giúp đỡ trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật bị bỏ rơi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại VN. Sau hơn 20 năm gắn bó với VN, Tim đã nhập quốc tịch VN với tên gọi là Hoàng Nữ Ngọc Tim, trong chứng minh thư nhân dân của cô ghi phần dân tộc là “Thụy Sĩ”.
Thật may mắn khi cùng Tim tới thăm dự án Nhà may mắn (NMM) ở xã Đắc Sôk, H.Krông Nô (Đắk Nông). Khi đến nơi, phần lớn công trình của dự án hoàn thành phần thô.
Nằm ở trung tâm khu đất là hồ nhân tạo hình trái tim, sau này sẽ là hồ bơi tập vật lý trị liệu cho người khuyết tật, cạnh đó là nhà dài (giả gỗ) truyền thống của người Ê Đê, phòng học được trang trí nhiều màu, phòng tập vật lý trị liệu, nhà ở, phòng ăn… C
huyến đi này để Tim cập nhật tình hình dự án, chuẩn bị cho buổi vận động tài trợ cho NMM diễn ra ở Anh sắp tới.
“Dự kiến cuối năm nay, dự án sẽ hoàn thành nên Tim bị áp lực nhiều lắm”, Tim tâm sự và cho biết cô đã phải nhập viện vì lo tiến độ, cũng như xoay xở tìm kiếm nguồn tài trợ. Ban đầu, dự tính chi phí toàn bộ dự án khoảng 2,3 triệu USD, sau đó do phải xây thêm một số công trình nên chi phí phát sinh tới 2,5 triệu USD. Số tiền đó với cô “lớn như một ngọn núi” nhưng đến nay cô vận động được khoảng 2 triệu USD. Mừng nhất là mới đây, sau nhiều lần "đeo bám", ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hòa Bình tặng 5 tỉ đồng cho dự án. Trước đó, Tôn Hoa Sen tài trợ vật tư như tôn, thép, ống nhựa…
Câu chuyện rồi cũng trở về lý do Tim quyết định xây NMM ở Đắk Nông. Sau 24 năm phát triển, NMM có gần 450 thành viên, một tháng cần tới 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) để duy trì hoạt động. Tim cho hay dù còn khó khăn nhưng cô luôn mong muốn phát triển, mở rộng NMM. Ở TP.HCM đất chật người đông, giá đất rất đắt đỏ. Ngay như khu vực Bình Hưng Hòa, nơi NMM đóng cách đây 24 năm chỉ là đầm lầy, đồng ruộng thì nay nhà cửa mọc lên kín mít, giá đất cũng tăng vùn vụt.
Cách đây hơn 5 năm, Tim bắt đầu đến Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng để tìm đất xây dự án nhưng rồi H.Krông Nô là nơi cô chọn, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho người khuyết tật. Nơi đây còn có nhiều người bị di chứng chất độc da cam trong khi Đắk Nông chưa có trung tâm bảo trợ cho người khuyết tật đúng nghĩa.
Sau nhiều lần gặp gỡ, chứng minh mong muốn tốt đẹp của mình, tỉnh Đắk Nông giao cho cô 27.000 m2 đất nằm trước khu du lịch văn hóa sinh thái cụm thác Đray Sáp - Gia Long để xây dự án. Tim dự tính khi dự án đi vào hoạt động sẽ đùm bọc, cưu mang 250 người, trong đó sẽ có 30 em bại não, 30 em khuyết tật ngồi xe lăn, 30 em mồ côi và một số thành viên khuyết tật ở NMM tại TP.HCM chuyển lên. Số còn lại là các em nhỏ dân tộc do nhà nghèo, không có điều kiện học hành sẽ được dạy chữ, dạy nghề. Điều đặc biệt, ở đây sẽ nuôi nhiều động vật, đặc biệt là ngựa để hỗ trợ trị liệu cho người khuyết tật. Đây là phương pháp trị liệu hiệu quả được thế giới công nhận nhưng còn mới mẻ ở VN.
Tim và tình yêu  với người khuyết tật
“Mong tình yêu giống như bệnh truyền nhiễm”
Diễn viên Quý Bình cho biết anh quen Tim cách đây 4 năm khi NMM kỷ niệm 20 năm thành lập, được tổ chức tại Nhà hát TP, lúc đó Quý Bình làm MC cho chương trình. Nói về Tim, Quý Bình khẳng định ai đã từng tiếp xúc với Tim đều phải nhìn lại bản thân mình. Đến bây giờ, anh vẫn chưa lý giải được động lực gì mà người con gái xinh đẹp, giỏi giang từ Thụy Sĩ xa xôi lại đến và ở lại VN để làm những điều vĩ đại như thế.
Tim kể mỗi lần làm dự án mới, mọi người đều nói cô điên vì sợ thiếu kinh phí nhưng rồi Tim chứng minh cho mọi người thấy, mỗi khi đã có quyết tâm thì mọi thứ đều thực hiện được. Gần 5 năm qua, kể từ ngày ấp ủ rồi triển khai dự án, cô như con thoi tới nhiều nước để vận động kinh phí cho dự án. Rồi cô viết hồ sơ, gửi đề cương chi tiết cho hàng trăm đối tác ở nước ngoài để xin tài trợ. Gặp chúng tôi trong chuyến đi Đắk Nông lúc hơn 11 giờ trưa, trên giỏ xách Tim treo lủng lẳng ổ bánh mì nguội. Hỏi thì cô bảo tối qua thức nguyên đêm, chat và gửi đề án xin tài trợ cho đối tác bên Mỹ rồi buổi sáng giải quyết công việc ở NMM khiến cô chưa kịp ăn sáng.
Với dự án ở Đắk Nông, mong muốn lâu dài của Tim sẽ xin thêm diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, vừa bảo đảm thực phẩm cho các thành viên và kiếm thêm thu nhập cho NMM. Nếu có đất, Tim cho biết sẽ trồng nghệ, chanh dây, bơ sạch, rồi sẽ tìm đầu ra tiêu thụ. Sau khi biết ý định, một người bạn của cô hứa nếu NMM trồng được sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất bột tinh nghệ bao tiêu đầu ra. Hiện nay, ngoài việc vận động kinh phí tài trợ, NMM kết hợp với một số công ty du lịch đưa khách nước ngoài tới thăm và mua sản phẩm do người khuyết tật làm kiếm thêm kinh phí.
“Chúng tôi còn có ý tưởng sản xuất xe lăn phục vụ cho người khuyết tật. Hiện xe lăn trong nước làm rất nặng nề, khoảng 30 - 35 kg trong khi ở nước ngoài chỉ hơn 10 kg, rất thuận lợi cho người khuyết tật. Trung tâm đang phối hợp mấy kỹ sư trong nước tìm cách thiết kế xe lăn giống như xe lăn của Thụy Sĩ. Nếu thành công, chi phí sản xuất khoảng 15 triệu đồng, trong khi nếu mua của nước ngoài giá lên tới 5.000 USD”, Tim tâm sự.
Thời gian ở Krông Nô, Tim dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình có trẻ em bị khuyết tật, bại não ở xã Buôn Choah. Đây là xã mà phần lớn là người dân tộc Ê Đê, Tày, Thái và có tới gần 30 trẻ em bị bại não. Có gia đình có tới 2 - 3 người con khi sinh ra đã bị bại não mà gia đình quá nghèo, điều kiện đi lại khó khăn nên không có điều kiện chữa bệnh… Các gia đình đều mong mỏi dự án NMM ở Đắk Nông sớm hoàn thành để gửi con vào trung tâm chữa bệnh.
Tim thường ước “tình yêu giống như bệnh truyền nhiễm”, để người yêu người nhiều hơn, từ đó người khuyết tật sẽ được tiếp sức trong cuộc sống. 24 năm sống ở VN, khi cô cười trong khóe mắt đã ẩn hiện vết chân chim nhưng tình yêu mà cô dành cho người khuyết tật, các em nhỏ mồ côi vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu khi đặt chân tới VN. Điều này lý giải vì sao mọi người ở NMM từ bé đến lớn đều gọi cô bằng cái tên trìu mến: Mẹ Tim thân yêu, bởi ai cũng từng đã, đang được cô thương yêu, che chở.
Tim và diễn viên Quý Bình tại dự án Nhà may mắn ở Đắk Nông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.