Tìm về những 'mùi nhớ' trong ký ức và văn hóa người Việt

28/08/2022 19:20 GMT+7

Sáng 28.8, tại Đường sách TP.HCM diễn ra cuộc trò chuyện thú vị, cùng chia sẻ về... mùi nhớ trong văn hóa người Việt . Đây là chương trình giao lưu nhân dịp ra mắt tạp văn Mùi nhớ (NXB Hội Nhà văn và Mây Thong Dong) ấn hành

Tham dự cuộc trò chuyện tại Đường sách TP.HCM về ký ức những mùi nhớ, cách viết một tác phẩm (tạp bút), chia sẻ về mùi trầm trong văn hóa người Việt… có Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng; nhà thơ Trần Huy Minh Phương; cây bút trẻ Như Hiền (Tạp chí Văn nghệ TP.HCM) và nhà báo Nguyễn Phúc Cao Trí (BTV Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM)…

Quang cảnh buổi giao lưu

Đăng Huy

Chia sẻ về các mùi nhớ, đặc biệt là mùi hương trầm trong tâm thức người Việt, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín cho biết, ai cũng có một mùi hương thương nhớ, đó là ký ức giúp nuôi dưỡng tâm hồn mình.

Theo Thạc sĩ Hiếu Tín, mùi hương trầm là kết tinh của trời đất nên được người Việt dùng để kết nối tâm linh, nuôi dưỡng tinh thần. “Chỉ cần một làn khói hương được đốt lên nhẹ nhàng nơi không gian thờ cúng, trong căn phòng, bên tách trà sớm mai, chúng ta sẽ cảm thấy thư thái, cảm giác được chìm vào chốn linh thiêng, mầu nhiệm, làm mình tỉnh thức”.

Nhà thơ Trần Huy Minh Phương (Tạp chí Văn nghệ TP.HCM) nhấn mạnh: “Tất nhiên, đó phải là khói hương sạch và được thắp hoặc đốt vừa phải”. Nhà thơ Trần Huy Minh Phương cũng cho rằng, giá trị của khói trầm hương giúp kết nối quá khứ - hiện tại, hay nói cách khác là cách truyền thông giữa tổ tiên và con cháu, nuôi dưỡng niềm tin nhân văn và sự lắng dịu tâm hồn con người mỗi khi được đốt lên, dâng cúng một cách chân thành.

Cây bút trẻ Như Hiền (giữa) và nhà báo Cao Trí cho rằng, mùi ký ức là đề tài dễ đi vào lòng người

Đăng Huy

Anh Minh Phương cũng chia sẻ về cách chọn hương sạch của mình chính là nhang ít khói, tàn nhang phải rụng xuống và mùi hương thanh nhẹ. “Với khói hương mà khiến mắt mình cay xè, mùi đậm ngào ngạt và uốn cong lên, đó là những loại nhang chứa hóa chất”, nhà thơ Trần Huy Minh Phương bộc bạch.

Nói về ký ức mùi trong các tác phẩm báo chí và văn chương của mình, nhà báo Nguyễn Phúc Cao Trí (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM) và cây bút trẻ Như Hiền (Tạp chí Văn nghệ TP.HCM) khẳng định, đây là một trong những đề tài dễ viết, dễ đi vào lòng người. Anh Trí hồi tưởng lại, có những lần được nghe khán thính giả chia sẻ về “mùi bệnh viện”, tưởng là mùi kỳ quặc nhưng đó lại là những ký ức xúc động bởi mùi ấy gắn với quá trình chăm người thân, mùi-yêu-thương.

Trong khi đó, cây bút trẻ Như Hiền chia sẻ, mùi ký ức với mỗi người đều có sức sống bởi chắc chắn, nó gắn liền với người thân-thương hay điều khó phai, như có người nói “ký ức nuôi dưỡng tâm hồn”.

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (phải) và nhà thơ Trần Huy Minh Phương giao lưu với độc giả, anh cho biết mùi hương trầm giúp kết nối tâm linh trong văn hóa Việt

Tạp văn Mùi nhớ (NXB Hội Nhà văn và Mây Thong Dong) vừa ấn hành

Khách mời và khán giả chụp hình lưu niệm cuối chương trình

Đăng Huy

Được biết, Mùi nhớ là dự án viết sách do Mây Thong Dong và Bảo Trầm vận động từ tháng 1 đến tháng 3.2022, thu hút hơn 100 người viết chuyên, không chuyên với 150 tác phẩm gửi về. Cuốn sách đã ra mắt với 164 trang, gồm 31 bài viết hay nhất, chia làm 4 phần, gồm: Mùi tết, Mùi trầm, Mùi yêu thương và Mùi An lạc.

“Thi thoảng cầm Mùi nhớ mỗi người có thể thấy đâu đó bóng dáng của mình và mỉm cười hoặc rưng rưng, nhưng hơn hết là để nhận ra, quá khứ rồi sẽ qua đi, cái đọng lại trong lòng mình chính là tình thương, giúp ta hun đúc thêm những điều tích cực ngay hiện tại”, nhà văn Lưu Đình Long chia sẻ sau buổi giao lưu ra mắt tác phẩm Mùi nhớ đầy cảm xúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.