Tìm việc làm qua mạng coi chừng bị quỵt hết tiền

20/01/2022 09:00 GMT+7

Gần tết là thời điểm rất nhiều người trẻ tìm kiếm việc làm thêm, đặc biệt những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đa số các bạn trẻ đều tìm việc làm qua mạng.

Thế nhưng đã có không ít người bị các nhà tuyển dụng “dỏm” quỵt lương, chiếm đoạt tiền, thậm chí là đánh cắp thông tin khi tìm việc làm trực tuyến.

Thực hư “việc nhẹ lương cao”

Facebook là một trong những phương thức có số lượng các nhóm tuyển dụng nhiều nhất, như “Tìm việc online”; “Việc làm online”...; có nhóm thu hút hàng ngàn thành viên tham gia và mỗi ngày có đến hàng ngàn tin đăng tuyển dụng.

Nhóm “Việc làm online” có hơn 500.000 thành viên, mỗi ngày có đến 2.900 bài viết đăng tin tìm việc làm và tuyển dụng. “Tại đây chỉ tuyển việc nhẹ lương cao, không bằng cấp cùng với mức lương hấp dẫn dao động từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng/tháng dễ dàng thu hút nhiều người muốn thử sức”, theo lời rao trên nhóm này.

Một tài khoản tên T.L (ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đăng tin tuyển dụng trên “Việc làm online” kèm hình ảnh doanh thu, với nội dung: “Chơi bao nhiêu app thì mình thấy app này ổn nhất. App mới ra ngày nào cũng có thu nhập nha, 2 tiếng đồng hồ có ngay 100 - 300k (100 - 300.000 đồng - PV) rồi ạ…”.

Khi chúng tôi liên hệ thì người này gửi số điện thoại và yêu cầu kết bạn Zalo. Điều lạ là Zalo người này lại dùng tên khác là P.T. “Hiện tại mình đang làm app Matte (một ứng dụng kiếm tiền trực tuyến trên điện thoại bằng hình thức giới thiệu bạn bè hoặc tham gia cá cược may rủi - PV) của trung tâm thương mại bạn nhé. Làm app này với số vốn duy nhất chỉ 100.000 đồng - 1 tháng mình kiếm được 10 - 20 triệu đồng ạ”, P.T nhắn tin…

P.T gửi cho chúng tôi link của app Matte để đăng ký tài khoản. Tài khoản được đăng ký bằng số điện thoại. Đặc biệt là app này không có trên hệ thống App Store mà phải tải về theo trang web thông qua tệp Apk. Điều này khiến người dùng dễ bị đánh cắp thông tin khi tải về. Sau khi đã đăng ký, P.T bắt buộcchúng tôi phải chuyển 100.000 đồng vào tài khoản cá nhân của P.T…

Một trường hợp khác về chiêu trò lừa đảo thông tin qua mạng là chỉ cần ngồi nhà xem từ 70 - 90 video/ngày sẽ được trả lương 700.000 đồng và đặc biệt cam kết không cần vốn. Đó là thông tin N.N (ở H.Củ Chi, TP.HCM) đăng trên nhóm “Việc làm online”. Khi chúng tôi nhắn tin trao đổi công việc chi tiết, N.N hướng dẫn nhấp vào link, kế đến tải app 567 Live, vậy là xong. Thế nhưng chúng tôi tìm hiểu thì được biết 567 Live là một app khiêu dâm, chào mời cờ bạc và khi sử dụng app này người dùng có thể bị đánh cắp thông tin.

Các bài đăng quảng cáo kiếm tiền và phản ánh, tố cáo của một số nạn nhân sau khi bị lừa

Chụp màn hình

Sập bẫy vì cả tin

Trên các trang việc làm trực tuyến dễ thấy các công việc như: kinh doanh online; nhập dữ liệu tại nhà… với lời hứa hẹn thu nhập rất “khủng”.

Các đối tượng lừa đảo thường mạo danh nhà tuyển dụng, các công ty, tổ chức, ngân hàng lớn để thu hút và lấy lòng tin của những người tìm kiếm việc làm. Sau đó, bằng những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng dẫn dắt “con mồi” cung cấp số điện thoại, tài khoản ngân hàng, thậm chí là mã OTP. Khi đã có đầy đủ những thông tin trên thì chúng chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

H.H.V (19 tuổi, ở Đắk Lắk) đã đăng một bài viết tố cáo hành vi lừa đảo của một tài khoản Facebook có tên V.N. V. cho hay mình đọc được bài tuyển dụng trên nhóm việc làm trực tuyến với nội dung: “Ai đang xài tài khoản MB Bank sẽ được nhận 399.000 đồng”. Thấy công việc dễ dàng, V. nhắn tin cho N. để hỏi. Sau một lúc trao đổi, N. gửi đường dẫn cho V. và yêu cầu điền thông tin vào các ô trống.

Lúc này V. không hề biết V.N đã bí mật lấy số điện thoại của mình để tạo tài khoản MoMo (nền tảng ví điện tử)và liên kết với ngân hàng. “Mình nhận được mã OTP từ tổng đài ngân hàng. V.N nói mình phải đọc mã đó cho N. thì mới nhận tiền được. Mình đang vội công việc riêng nên gửi luôn mà không nghĩ kỹ. Vừa gửi xong thì có thông báo tiền trong tài khoản của mình bị trừ. Mình hỏi N. thì N. đã chặn liên hệ với mình”, V. kể.

T.K (21 tuổi, ở Tuyên Quang) cho biết cô cũng là một nạn nhân. K. thấy bài viết “Ai có quà trên MoMo mà không dùng đến thì inbox cho mình, mình mua” đăng trên nhóm tìm việc. Tình cờ tài khoản MoMo của K. cũng có vài ưu đãi chưa cần dùng tới, nên cô thử liên hệ với chủ bài viết. Người này yêu cầu K. đưa số điện thoại và mã MoMo cho mình. K. nhẹ dạ đưa thì 1 phút sau nhận thông báo tiền trong tài khoản ngân hàng bị trừ mất 1.300.000 đồng…

Phải tìm hiểu kỹ mạng việc làm đảm bảo hợp pháp và uy tín

Theo thạc sĩ Xã hội học Trần Nam, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hiện nay tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên hình thức làm việc trực tuyến, làm tại nhà đang dần trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. “Khi ứng tuyển việc làm trực tuyến thì phải tìm hiểu kỹ về công việc, độ tin cậy của trang tuyển dụng, người tuyển dụng. Ứng viên lưu ý là cần lưu lại các bằng chứng trong quá trình xin việc, làm việc để có căn cứ xử lý nếu phát sinh tranh chấp. Học sinh, sinh viên nên tìm việc ở các công ty, tổ chức, mạng việc làm hợp pháp và uy tín. Tránh tham khảo thông tin việc làm ở những vị trí không khả tín như tờ rơi dán trên cột điện, tường hay trên các trang mạng không rõ nguồn gốc. Trường hợp bị lừa đảo, hãy lên tiếng và báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ”, ông Nam đưa ra lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.