Tín chỉ nửa vời, khó cho sinh viên

22/06/2011 00:02 GMT+7

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đến năm 2010, tất cả các trường ĐH-CĐ phải áp dụng hệ thống tín chỉ trong đào tạo. Nhưng do thực hiện không triệt để, cơ sở hạ tầng chưa thích ứng nên sinh viên chưa được thụ hưởng ích lợi từ học chế này.

 

 Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng đăng ký tín chỉ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một đặc điểm ưu việt của tín chỉ (TC) là cho phép sinh viên (SV) dễ dàng thay đổi ngành học trong quá trình học tập. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu này rất khó thực hiện.

Khi đăng ký dự thi vào ĐH, nhiều SV chưa hiểu hết về ngành nghề sẽ học. Vì vậy, trong quá trình học, có không ít SV muốn được chuyển ngành cho phù hợp với khả năng.

N.T - SV năm cuối ngành văn học và ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tâm sự: “Em thích ngành báo chí và truyền thông nhưng đang học ngành văn học và ngôn ngữ. Với quy định hiện nay, nếu muốn có kiến thức chuyên sâu về nghề báo thì em phải hoàn tất trước tấm bằng cử nhân ngành văn học và ngôn ngữ”. Cùng cảnh ngộ, Đ.N - SV ngành khoa học môi trường trường ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ: “Em vào học ngành này cũng vì sở thích của cha mẹ. Đến khi thuyết phục được cha mẹ cho chuyển sang ngành mình yêu thích thì quy định lại không cho phép. Kết quả là em buộc phải theo ngành mà em không hề muốn. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ tiếp tục học thêm một chương trình thứ hai để theo đuổi công việc sở trường của mình”.

Quy chế không cho phép

Quy chế 25 (đào tạo theo niên chế) và Quy chế 43 (đào tạo theo TC) chỉ quy định SV được đăng ký học thêm một ngành thứ hai chứ không được chuyển đổi ngành học. Để tránh tình trạng SV bỏ ngành học thứ nhất để học ngành thứ hai, quy chế còn nêu rõ: “SV chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất”.

Nhận xét về quy định này, ông Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng: “Hiện nay, các quy định của Bộ GD-ĐT chưa phát huy hết những ưu việt của hình thức đào tạo TC. Sở dĩ như vậy vì hiện nay các trường đang tuyển sinh theo hình thức “ba chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả xét tuyển - PV) và lấy điểm theo ngành. Thí sinh tuyển theo ngành thì các ngành có điểm chuẩn khác nhau. Nếu đã đăng ký ngành đó thì bắt buộc phải theo để đảm bảo công bằng cho các SV khác. Rõ ràng trong trường hợp đó muốn chuyển đổi ngành học thì phải chấp nhận học 2 ngành”.

Cũng theo ông Khuyến thì chỉ những trường tuyển sinh theo khối ngành mới có thể cho phép SV chuyển ngành. Tuy nhiên, điều đó cũng không nhiều trường thực hiện. Ông Khuyến nói: “Đào tạo TC đúng nghĩa thì quyền tuyển chọn SV sẽ là của các trường. Trường có quyền tuyển sinh theo học kỳ mà không phụ thuộc vào điểm sàn, điểm chuẩn do Bộ phê duyệt. Còn hiện nay việc tuyển sinh theo năm học mà điểm chuẩn từng ngành đã do Bộ duyệt rồi thì làm sao họ dám thay đổi!”.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng: “Mục đích của việc sử dụng TC là tạo điều kiện cho người học có cơ hội chọn lựa và lắp ghép những gì mà người học cảm thấy cần thiết cho nhu cầu học tập của cá nhân và việc sử dụng kiến thức của mình sau khi ra trường. Vì vậy, nếu gọi là có áp dụng TC mà lại không cho người học lựa chọn gì hết thì không thể gọi là TC hóa được”.    

Mỗi trường mỗi kiểu

Mặc dù quy chế không cho phép, nhưng nhận thấy đây là nhu cầu cần thiết của SV nên một vài trường có những cách giải quyết khác nhau.

 Trường ĐH Y Hà Nội quy định SV muốn chuyển đổi ngành học, loại hình đào tạo trong phạm vi trường phải thi lại vào trường với một số điều kiện. Tiến sĩ Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay: “Việc chuyển đổi ngành học trong trường chỉ được chấp nhận nếu SV có nguyện vọng đổi từ ngành điểm chuẩn cao xuống ngành điểm chuẩn thấp và không có tình trạng ngược lại, tất nhiên là với lý do chính đáng”.

Trong khi đó, trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) chấp nhận cho SV chuyển ngành thậm chí chuyển khoa. Theo đó, điều kiện quy định thời gian sớm nhất là học kỳ 3 của năm thứ nhất, ngành chuyển đổi phải cùng khối thi tuyển sinh đầu vào, một số ngành chuyển đến phải có điểm tổng kết các học phần cơ bản tích lũy tối thiểu là 6.

Thạc sĩ Lâm Tường Thoại - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng chia sẻ: “Theo quy chế, việc chuyển đổi ngành học chỉ được phép với các thí sinh trúng tuyển vào các trường có chung điểm chuẩn, không áp dụng với các ngành có điểm trúng tuyển riêng. Tuy nhiên, trên thực tế trường có những vận dụng khá linh hoạt để giải quyết cho những trường hợp thực sự cần thiết”. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương - Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thông tin: “Bắt đầu từ năm 2004, trường chuyển từ hình thức tuyển sinh theo ngành sang lấy điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành, lợi ích dành cho người học thấy hơn rõ rệt. Sau khi trải qua một năm rưỡi học chung về chương trình đại cương, trường tiếp tục tổ chức thêm một tuần để tư vấn ngành nghề”.

Vũ Thơ - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.