Tin đồn lũng đoạn thị trường

31/10/2022 04:16 GMT+7

Tuần trước, Bộ Công an đã 2 lần lên tiếng bác bỏ các tin đồn thất thiệt rằng sắp tiếp tục xử lý một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp (DN) lớn cũng như cấm xuất cảnh với lãnh đạo Vingroup.

Đây là hành động hết sức cần thiết để ổn định thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng và môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung hiện nay.

Thực tế, ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt tạm giam liên quan hành vi phát hành trái phiếu không đúng quy định pháp luật, hàng loạt tin đồn lan truyền khắp cõi mạng về tập đoàn này, DN kia sắp bị xử lý khiến dư luận hoang mang.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của hầu hết các công ty đều lao dốc không phanh, kể cả những đơn vị làm ăn hiệu quả, lợi nhuận hàng ngàn đến chục ngàn tỉ đồng cũng không thoát. Đến phiên giao dịch đầu tuần trước, chỉ số VN-Index đã rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, thấp nhất trong vòng gần 4 năm trở lại đây. Và cũng chỉ trong phiên này, vốn hóa thị trường đã bốc hơi gần 6 tỉ USD trong tâm trạng bi quan của hầu hết các nhà đầu tư (NĐT). Đáng lo ngại hơn, đây không phải là một phiên điển hình, hiếm hoi mà đã diễn ra liên tục, kéo dài suốt tháng qua, đưa chứng khoán VN thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới, theo dữ liệu từ Stockq.

Sức mạnh của tin đồn không chỉ khiến NĐT mà ngay cả giới doanh nhân cũng nhìn nhau nghi ngại, thăm dò. Thị trường mong manh đến mức một cuộc diễn tập PCCC cũng có thể làm dấy lên nghi hoặc về chuyện ông chủ này, bà chủ kia sắp bị bắt. Và “hàn thử biểu” của nền kinh tế ngay lập tức phản ứng bằng cách giảm điểm, bán tháo. Nhưng lần này, hệ quả không dừng ở việc tài sản của người này, người kia mất đi bao nhiêu tỉ đồng, chỉ số chứng khoán sụt giảm bao nhiêu điểm, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN nói chung.

Chúng ta đều biết 3 kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế là ngân hàng, trái phiếu DN và TTCK, thường kênh này khó thì có kênh kia để bảo đảm nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cả 3 kênh đều nghẽn cứng. Các tổ chức tín dụng đang siết chặt đầu ra nhằm ổn định tỷ giá cũng như kiểm soát lạm phát. Trái phiếu DN sau một số vụ vi phạm quy định phát hành bị xử lý, NĐT không còn phân biệt tốt - xấu, đồng loạt quay lưng.

TTCK thì bị lũng đoạn bởi tin đồn, lao dốc không phanh, không có cửa để nghĩ tới phát hành cổ phiếu tăng vốn bất kể dự án khả thi hay không. Có thể nói, chưa bao giờ thị trường vốn bị mất thanh khoản như hiện nay. Rất nhiều DN gần như thúc thủ, không biết phải xoay xở vốn ở đâu để vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng chưa hết, còn đang có cái nhìn sai lệch, thậm chí kỳ thị về trái phiếu DN và cả các đơn vị phát hành trái phiếu khiến không ít công ty giờ đây dù khó khăn vô cùng vẫn phải tìm cách mua lại trái phiếu trước hạn “cho lành”, không còn thời gian, tâm sức đâu mà nghĩ đến làm ăn.

Phải khẳng định rằng trái phiếu DN là kênh huy động vốn trung, dài hạn cần thiết và quan trọng của DN cũng như nền kinh tế. Điều này đã được Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia kinh tế phân tích, khẳng định rất nhiều lần. Việc xử lý một vài công ty vi phạm chỉ góp phần làm thị trường lành mạnh, an toàn, không có nghĩa là các DN phát hành trái phiếu đều “rơi vào tầm ngắm” như tin đồn thất thiệt.

Để tin đồn thất thiệt không còn đất hoành hành, để các DN yên tâm làm ăn, NĐT tin tưởng vào thị trường thì bên cạnh việc xử lý nghiêm, điều quan trọng là các cơ quan có thẩm quyền cần lên tiếng bác bỏ sớm nhất, nhanh nhất có thể. Không thể để tin đồn lũng đoạn thị trường, đánh gục cả những DN làm ăn chân chính, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nỗ lực ổn định vĩ mô, phục hồi kinh tế mà Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.