Sòng phẳng với khách hàng

28/10/2022 04:27 GMT+7

“Sử dụng dịch vụ của MobiFone hơn 20 năm, thế mà kể từ ngày 24.10 khi mạng bị mất sóng diện rộng cho đến nay, tôi chưa hề nhận được một tin nhắn xin lỗi của nhà mạng”, là bức xúc của một thuê bao MobiFone được chia sẻ vào hôm qua (27.10) về sự cố mới đây của nhà mạng này.

Giữa thời đại công nghệ ngày nay, chiếc điện thoại di động thông minh đóng vai trò không nhỏ trong cuộc sống, công việc của nhiều người. Nên khi mạng di động bất thình lình bị “cắt sóng” thì gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người, thậm chí có thể gây ra nhiều thiệt hại lớn trong công việc. Vì thế, sự bức xúc của chủ thuê bao trên là hoàn toàn dễ hiểu.

Cuối tháng 9.2020, một sự cố tương tự cũng xảy ra với MobiFone gây nhiều hệ lụy cho người dùng, nhưng về sau nhà mạng này “đền bù” bằng một số gói ưu đãi mà thực tế có nhiều khách hàng không cần dùng đến. Đó là bồi thường hoặc bằng dữ liệu miễn phí hoặc số phút gọi miễn phí theo kiểu “đổ đồng” như làm cho có. Chính vì thế, việc đền bù sự cố tháng 9.2020 cũng từng khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Thực tế, không riêng gì MobiFone mà nhiều mạng khác vẫn đối xử thiếu sòng phẳng với khách hàng. Cụ thể, người tiêu dùng luôn phải trả cước phí đầy đủ, nhưng ngược lại nhà mạng không phải luôn “ăn đồng chia đủ” với khách hàng. Là khách hàng, nhưng gần như thuê bao di động nào cũng từng có những ngày tháng chịu đựng sự quấy rối bởi quảng cáo, lừa đảo mà trong đó từng liên quan không ít đến nạn sim rác do chính các nhà mạng kiểm soát không tốt. Thậm chí, từng có ý kiến đặt vấn đề phải chăng chính các nhà mạng suốt thời gian dài đã buông lỏng kiểm soát sim rác để thu lợi.

Thậm chí, đến nay, tình trạng lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi có đầu số liên quan một số nhà mạng vẫn diễn ra. Trong khi nhiều người “gánh đủ” thì trách nhiệm của nhà mạng vẫn đang bị thả nổi. Ngay cả khi những tổ chức lừa đảo thực hiện từ nước ngoài, sử dụng máy chủ ảo thì khi kết nối cuộc gọi đến VN những số máy lừa đảo vẫn thể hiện đầu số của các nhà mạng nào, cho thấy rõ ràng nhà mạng đó không thể vô can về trách nhiệm quản lý, trách nhiệm “bịt lỗ hổng”. Hơn hết, các nhà mạng phải nhận thức và đảm bảo được quyền lợi, an toàn liên lạc cho khách hàng của mình.

Hiện tại, Quốc hội và Chính phủ đang hoàn thiện luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi. Trước thực trạng người dùng điện thoại di động suốt nhiều năm qua phải hứng chịu cách hành xử thiếu công bằng lẫn trách nhiệm từ các nhà mạng, luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi nên bao hàm các quy định để siết chặt trách nhiệm của các nhà mạng nhằm đảm bảo quyền lợi của người dùng. Chỉ khi có các biện pháp chế tài đủ mạnh thì các nhà mạng mới đối xử sòng phẳng hơn với khách hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.