Tin đồn về Aurora lại trỗi dậy

03/12/2014 06:15 GMT+7

Với vận tốc bội siêu thanh, máy bay trinh sát của tương lai với mật mã Aurora bị đổ lỗi đã gây nên một loạt các tiếng nổ vang trời xuyên bờ Đại Tây Dương hồi tuần qua.

 Dòng máy bay tin đồn Aurora theo diễn tả của một kỹ sư dầu khí ở biển Bắc vào tháng 8.1989 - Ảnh: Aviation Week
Dòng máy bay tin đồn Aurora theo diễn tả của một kỹ sư dầu khí ở biển Bắc vào tháng 8.1989
- Ảnh: Aviation Week

Nguồn gốc của những tiếng nổ bí ẩn gây kinh động dân Anh và bờ Tây nước Mỹ hồi cuối tuần trước vẫn chưa được chính thức xác nhận. Tuy nhiên, theo một giả thuyết được nhiều người chú ý nhất, tiến sĩ Bhupendra Khandelwal chuyên về nghiên cứu máy móc tại Sheffield, cho rằng những tiếng nổ này phát ra từ một dạng động cơ mới mà theo một số nguồn tin là được sử dụng cho dòng máy bay trinh sát tuyệt mật của Mỹ, tên là Aurora.

Dự án Aurora bí mật đến nỗi sự tồn tại của nó đến nay vẫn chưa được bất cứ nguồn tin nào từ chính phủ Mỹ đề cập.

Theo trang tin Inquisitr, một chuỗi các tiếng nổ đã được ghi nhận dọc theo lãnh thổ Anh, thậm chí tại Bỉ cũng nghe thấy và hầu như xảy ra cùng một lúc với âm thanh phát ra trên bầu trời miền Tây New York. Chưa dừng lại ở đó, cư dân mạng ở Buffalo, Cheektowaga, Clarence và thậm chí tít xa phía bắc như thác Niagara ở bờ Đông của Mỹ cũng đổ xô lên mạng xã hội, rối rít thông tin về những tiếng động vang dội không rõ nguồn gốc vào khoảng 17 giờ ngày 29.11 (giờ VN). Những người tại Mỹ cho hay tiếng nổ lớn đến nỗi khiến nhà cửa xung quanh họ rung chuyển. Và đối với những người chuyên theo dõi dự án Aurora, đây có thể là tác phẩm của máy bay do thám tuyệt mật của Mỹ, theo nhiều tin đồn manh nha từ năm 1989. Một số nguồn thạo tin còn cho rằng Aurora là hậu duệ của máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird của Lockheed Martin, với vận tốc tối đa lên đến Mach 3,35 (3.560 km/giờ). Để so sánh, một số báo cáo cho rằng Aurora phải đạt đến Mach 11,8.

Giả thuyết trên bắt nguồn từ tuần san Aviation Week và tạp chí Space Technology, với bài báo vào năm 1989 đề cập đến một dự án bí mật đã được bổ sung vào ngân sách của Mỹ vào năm 1985. Mục này ghi nhận dự án 445 triệu USD nhằm sản xuất “máy bay đen” với biệt danh Aurora, và không chỉ chế tạo một dòng máy bay duy nhất mà là một loạt các máy bay khác nhau. Các báo cáo khác cho rằng chương trình Aurora được khởi động tại Skunkworks, một nhánh chuyên nghiên cứu các dự án tuyệt mật của Lockheed Martin vào năm 1987. Lúc đó, Skunkworks đang cân nhắc khả năng thay thế SR-71 Blackbird, chính thức về hưu vào năm 1998. Tuy nhiên, cựu Giám đốc Skunkworks là Ben Rich cho hay Aurora là mật mã của một dự án tàng hình và kết quả là sản xuất ra oanh tạc cơ tối tân B-2 Spirit.

Đến tháng 11.2013, Lockheed Martin tuyên bố sẽ phát triển máy bay tàng hình với công nghệ tương tự, gọi là SR-72. Theo thông tin chính thức, dòng máy bay này có thể tăng tốc lên Mach 6, hoặc 7.349 km/giờ, nhanh gấp 3 lần chiếc máy bay hành khách Concorde. Vì những hạn chế kỹ thuật, Concorde không được phép bay ở vận tốc siêu thanh do tiếng nổ xuất phát từ sóng xung kích khi động cơ hoạt động.

Theo giới chuyên gia, bao gồm tiến sĩ Phillip Atcliffe của Đại học Salford (Anh), nếu một máy bay hành khách di chuyển với tốc độ Mach 6 ở độ cao bình thường của hoạt động không lưu, tức khoảng 9.100 m, sóng xung kích từ động cơ có thể hủy hoại các tòa nhà bên dưới.

Quay lại vụ những tiếng nổ bí ẩn vừa qua, tiến sĩ Khandelwal cho hay âm thanh phát ra rất giống “động cơ phát nổ xung động” (viết tắt là PDE). Động cơ PDE hoạt động bằng cách sử dụng năng lượng từ một loạt các vụ nổ, gây nên bởi tình trạng trộn hỗn hợp nhiên liệu và không khí, từ đó đẩy nó về phía trước. Trên lý thuyết, loại động cơ mới cho phép máy bay di chuyển với tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh.

Hạo Nhiên

>> Máy bay siêu thanh màn hình khổng lồ
>> Mỹ thử nghiệm thành công máy bay siêu thanh
>> Máy bay siêu thanh đang trở lại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.