So với số liệu Tổng cục Thống kê công bố tín dụng tính đến ngày 20.6 tăng 8,51% thì trong 10 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 0,84%, tương đương gần 700.000 tỉ đồng. Tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 2/3 kế hoạch dự kiến đầu năm toàn ngành ngân hàng đặt ra năm 2022 tăng 14%.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỉ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay đạt trên 50.000 tỉ đồng. Trong khi đó tốc độ huy động vốn của các ngân hàng chỉ tăng chưa đến một nửa, ở mức 4,51%, đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng. Dù vậy mức này tăng nhanh hơn cùng kỳ năm 2021 khi chỉ 4,09%.
Tín dụng tăng mạnh |
Ngọc Thắng |
Bên cạnh các giải pháp điều hành trong thời gian qua, để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ được giao, NHNN đã cùng các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện. Đến nay, các NHTM đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỉ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỉ đồng). Đồng thời, NHNN cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng NHTM để triển khai sớm chính sách và trả lời hơn 20 vấn đề về nguyên tắc, điều kiện, thời hạn, phương thức hỗ trợ lãi suất, thực hiện dự toán, quyết toán, thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất, quản lý hạn mức hỗ trợ lãi suất.
Bình luận (0)