Hàng loạt app cho vay xuất xứ từ Latvia, Estonia…
Thời gian qua, xuất hiện hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp (DN) ngoại vào VN hoạt động và thực hiện cho vay qua mạng (thông qua app, trang web) hay còn được quảng bá là cho vay ngang hàng. Thử tìm kiếm thông tin theo từ khóa "vay nhanh", ngay lập tức kết quả trên Google cho ra hàng loạt dịch vụ, trang web khác nhau. Có nhiều trang web, app không để địa chỉ cụ thể thuộc đơn vị nào, ở đâu. Riêng một số trang web có ghi rõ ràng địa chỉ, xuất xứ từ các nước xa xôi (nhưng cũng không biết đúng, sai).
Chẳng hạn, tại trang Jeff.vn, ngay trang chủ giới thiệu là app cho vay uy tín, khách hàng vay lần đầu nhận ngay lãi suất 0%. Ở dưới cuối, website này giới thiệu: "Dịch vụ của Jeff giúp đánh giá các đối tác vay uy tín với các sản phẩm tài chính đa dạng, thời gian trả nợ linh hoạt từ 91 đến 180 ngày, với lãi suất tối thiểu là 0% và tối đa là 20%". Sau đó, trang web đưa ra ví dụ về cách tính phí, lãi và số tiền gốc dựa trên khoản vay.
Cụ thể, đối với khoản vay 6 triệu đồng trong thời gian trả góp 6 tháng (180 ngày) thì sẽ chịu phí tư vấn 600.000 đồng, phí dịch vụ 1,36 triệu đồng, lãi (18,3%/năm) là 540.000 đồng. Tổng số tiền khách vay phải trả là 8,5 triệu đồng. Với cách tính này, tổng cộng lãi suất và phí mà khách hàng phải trả tương ứng gần 42% trong vòng 6 tháng (phí và lãi phải trả là 2,5 triệu đồng trên tổng số tiền vay 6 triệu đồng). Bình quân mỗi tháng khách hàng phải trả lãi và phí gần 7%. Công ty này giới thiệu có trụ sở là một địa chỉ ở Estonia.
Có cùng địa chỉ tại Estonia là trang web Crezu.vn và quảng cáo cho vay chỉ với lãi suất tối đa 36%/năm; Credy-vn.com với lãi suất cho vay tối đa 47%/năm… Những trang web cho vay này đều được giới thiệu cùng trên một website khác là vay-nhanh24.vn và cũng cùng chung xuất xứ tại Estonia.
Trong khi đó, một loạt website khác được giới thiệu chung trên trang Vayonline365.vn như vaynvd.vn được giới thiệu là của Công ty TNHH Vayo và Monyveo.vn có địa chỉ ở VN, nhưng hai trang khác có địa chỉ nước ngoài là Credify.vn và Soscredit.vn cũng được giới thiệu là được phát triển bởi goodday.group tại Latvia như Vayonline365.vn. Các trang này đều có lời giới thiệu gần giống nhau với khoản vay từ 10 - 15 triệu đồng trong thời gian 3 - 6 tháng, thời gian thanh toán tối đa lên 12 tháng, lãi suất tối đa từ 18 - 20%/năm…
Ngoài ra còn có nhiều trang web cũng cho vay như Utua.com.br giới thiệu địa chỉ tại Brazil, giới thiệu thời gian cho vay từ 6 - 36 tháng và lãi suất từ 12,9 - 18,9%; Credit24.vn giới thiệu địa chỉ tại Hà Lan; Binixo.vn được giới thiệu ở Hungary…
Lập công ty trong nước, thuê người Việt đứng tên
Chưa kể các hình thức đòi nợ hơn cả tín dụng "đen" thì mức lãi suất và phí dù được quảng bá ở mức thấp, vay dễ dàng, các app kể trên cũng đã "cắt cổ" người vay. Ví dụ như Jeff.vn, dù quảng cáo lãi suất cho vay tối đa chỉ 20%/năm nhưng thực tế khi cộng thêm các mức phí mà đơn vị này công khai đưa ra là đã lên đến 7%/tháng. Mức lãi này cao hơn gấp đôi so với lãi vay "ngoài luồng" ở một số chợ tại TP.HCM.
Chị T.H (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) tiết lộ ở một số chợ và người quen, khi chị cần tiền gấp vẫn vay không cần thế chấp, không giấy tờ thì sẽ trả lãi 3 - 3,5%/tháng. Mức này đã cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều, nhưng vì không có tài sản thế chấp và thường phù hợp cho người cần số tiền nhỏ 5 - 10 triệu đồng trong vòng 15 - 30 ngày nên chị chấp nhận.
"Mình nghe giới thiệu vay qua mạng lâu rồi, thấy quảng cáo lãi suất thấp nhưng đọc nhiều thông tin trên báo chí thì cộng cả phí còn cao hơn gấp đôi, gấp ba. Ở đây khi nào kẹt tiền quá thì vay đỡ người quen vài chục triệu trong vòng 1 tháng là trả với lãi suất từ 3 - 3,5%/tháng. Thậm chí có nơi lấy 4%/tháng, nhưng nếu ai quá cần thì cũng phải vay, vì ra ngân hàng thì không thể vay được do không có gì thế chấp", chị T.H chia sẻ thêm.
Đáng nói, rất nhiều app cho vay là do cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện. Cụ thể, theo vụ án đang được xét xử tại TP.HCM, Aigars Plivěs (quốc tịch Latvia) là kẻ đứng sau điều hành 3 công ty gồm Công ty Digital Credit, Công ty Fincap VN và Công ty TNHH Sofi Solutions. Việc cho vay được hoạt động, điều hành qua hai trang web tamo.vn và findo.vn. Hai trong số 3 công ty nói trên do người VN đứng tên giám đốc nhưng thực chất đều do Aigars Plivěs điều hành và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động.
Trước đó, hàng loạt vụ tương tự do cơ quan công an đánh sập cũng chỉ ra thủ đoạn của những cá nhân, tổ chức nước ngoài vào VN thực hiện cho vay với lãi suất "cắt cổ". Các cá nhân, tổ chức này vào VN lập nhiều công ty, tạo ra nhiều app cho vay, thuê người VN làm giám đốc, tuyển dụng nhân sự trong nước… Năm 2023, Công an TP.HCM đã xác định có hơn 32 app cho vay hoạt động với phương thức, thủ đoạn đòi nợ như trên. Trong đó có hàng loạt app cho vay do người Trung Quốc làm chủ là Nano, Gola, Asa, Benta, Bason, Roly, Anfa, Misa… Công an TP.HCM cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi, biến tướng cho vay tiền qua app, nếu người dân không nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác thì rất dễ sập bẫy, trở thành nạn nhân.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM), rất nhiều app cho vay ngang hàng có chủ sở hữu từ Trung Quốc và Đông Âu, nhiều trang web có địa chỉ tên miền nước ngoài nên VN khó ngăn chặn. Đa số các app cho vay ẩn dưới những công ty đầu tư, tư vấn tài chính… và đăng ký hoạt động như DN thông thường mà không cần có thêm giấy phép từ cơ quan quản lý chuyên ngành như công ty tài chính phải xin phép từ Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, người dân cần cẩn thận khi có nhu cầu vay tiền nhanh.
Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng hoạt động cho vay ngang hàng ở VN được xem là trong "vùng xám" vì cũng không có quy định cấm hoạt động hay cho phép. Do đó, Chính phủ cần xem xét, sớm đưa ra cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho dịch vụ này để tránh các hệ lụy cho kinh tế - xã hội khi bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng và bản thân người dân cũng không hiểu rõ. Việc quản lý theo cơ chế Sandbox cũng giúp VN phát triển được lĩnh vực công nghệ tài chính theo xu hướng của thế giới.
Nhiều dịch vụ cho vay qua mạng, app cho vay "lách luật" khi chỉ quảng cáo lãi suất cho vay dưới 20%/năm không vượt quy định cho phép. Tuy nhiên, nếu cộng thêm các loại phí, cách tính lãi chồng lãi khi nợ quá hạn… thì sẽ vượt xa. Nhưng chỉ khi các cá nhân, tổ chức nào cho vay có dấu hiệu hình sự thì mới xử lý được. Tương tự, hoạt động tín dụng "đen" cũng không thể xử lý dân sự mà chỉ khi có dấu hiệu lừa đảo… mới xử lý được hình sự. Hay tiệm cầm đồ là hoạt động có điều kiện, được cấp phép thì cũng chỉ quảng cáo lãi suất ở mức thấp, nhưng thực tế cộng thêm các loại phí thì người vay phải trả cao gấp nhiều lần so với ngân hàng. Vì vậy, người dân thật cẩn trọng đối với việc đi vay ngoài hệ thống ngân hàng vì dễ rơi vào bẫy lãi suất cao mà không biết.
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty luật ANVI)
Bình luận (0)