Tín dụng ngoại tệ tăng 3,49%

02/12/2016 15:45 GMT+7

Ngày 2.12, trong kết quả điều hành chính sách tiền tệ tháng 11 vừa được công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tín dụng ngoại tệ tăng 3,49% so với cuối năm 2015.

NHNN cho biết từ nay đến cuối năm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, nên để góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, NHNN ban hành Thông tư quy định tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đến hết 31.12.2017.
Tính đến ngày 28.11, tín dụng toàn hệ thống tăng 14,5% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng bằng VND tăng 15,81%. Tín dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, điều chỉnh tăng hệ số rủi ro của các khoản phải thu trong cho vay kinh doanh bất động sản.
Theo nhận xét của NHNN, tín dụng hiện nay đang tăng trưởng ở mức hợp lý, cơ cấu tín dụng vẫn chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao.
Trên cơ sở chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt, NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm 2017 và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng. Tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.