Tín dụng xanh đang ‘chảy’ vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Mai Hà
Mai Hà
05/07/2024 15:05 GMT+7

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng xanh hiện tập trung chủ yếu vào các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, chiếm khoảng 45% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Chia sẻ tại tọa đàm “Khơi thông dòng tín dụng xanh” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 5.7, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết “tín dụng xanh” là mạch máu nuôi dưỡng các mầm xanh của nền kinh tế. Khái niệm tín dụng xanh không thể tách rời khỏi nền kinh tế xanh, có kinh tế xanh sẽ có tín dụng xanh.

Tín dụng xanh đang ‘chảy’ vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch- Ảnh 1.

Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

TUẤN MINH

Thứ hai, khái niệm về nền kinh tế xanh bắt nguồn từ rất lâu, từ những năm 1970, các cuộc khủng hoảng năng lượng của thế giới đã đòi hỏi phát triển kinh tế xanh. Năm 2011, UNDP trong báo cáo đã đề cập đến nền kinh tế xanh với lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả. Ý nghĩa của kinh tế xanh đảm bảo 2 mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường trong sạch và bền vững.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 chiến lược phát triển kinh tế xanh, hiện đang trong giai đoạn 2021 - 2030. Tín dụng xanh được đưa vào luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định tín dụng xanh tài trợ cho các dự án có ý nghĩa về môi trường, như sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, phục hồi sinh thái tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…

Về phía Ngân hàng Nhà nước, từ 2017 đã ban hành văn bản số 9050, hướng dẫn các tổ chức tín dụng báo cáo thống kê về tín dụng xanh, gồm tài trợ cho các dự án thuộc 12 ngành, lĩnh vực kinh tế, như nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững và các dự án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Dư nợ tín dụng với các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh mới phản ánh được một phần kết quả tích cực trong việc triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của các ngân hàng”, ông Quý chia sẻ.

Cụ thể, tính đến hết tháng 3, có 47 ngân hàng cho vay, dư nợ khoảng 637.000 tỉ đồng, tăng trưởng 2,6% so với 2023, chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ tập trung cho các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch - chiếm khoảng 45% tổng dư nợ.

Ngân hàng muốn mở rộng tín dụng xanh, nhưng vẫn trăn trở

Theo bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, nền kinh tế xanh, tín dụng xanh là câu chuyện, chủ đề nóng được nói rất nhiều vài năm gần đây.

Về cơ bản, tất cả các ngân hàng đều mong muốn mở rộng danh mục tín dụng xanh. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng trăn trở 2 khía cạnh: về mặt kinh doanh, các ngân hàng cũng muốn hướng tới những sản phẩm xanh có thể cho vay được. Ngoài ra, làm sao để tìm được các nguồn khách hàng mới cho vay?

Tín dụng xanh đang ‘chảy’ vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch- Ảnh 2.

Bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm

TUẤN MINH

Nhiều ngân hàng khá thành công trong việc mở rộng tín dụng xanh với nền khách hàng có ưu thế, như cho vay năng lượng tái tạo hay nông nghiệp xanh như Bắc Á Bank.

“Còn lại một số ngân hàng khác cũng rất trăn trở, ví dụ các ngân hàng có tệp khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cho vay xanh như thế nào, có đạt mục tiêu xanh hóa hay không? Ngân hàng là tổ chức nên phải có hiệu quả kinh tế, vậy chi phí bỏ ra để quản lý rủi ro có đảm bảo hay không?”, bà Vân nêu.

Chuyên gia của EY cũng nhắc lại, về cơ bản các ngân hàng đều có nhu cầu và mong muốn mở rộng tín dụng xanh. Dưới động lực, sức ép nhiều phía thì các doanh nghiệp rất chú trọng đến chuyển đổi xanh. 

Dù vậy, mức độ trưởng thành của các doanh nghiệp chuyển đổi đổi xanh rất khác nhau. Doanh nghiệp lớn, niêm yết có nhiều lợi thế, nhưng còn rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thức chuyển đổi xanh còn ít. Điều này đòi hỏi sự chủ động từ phía doanh nghiệp và hỗ trợ từ cơ quan, ban, ngành.

Về kinh nghiệm thế giới, dẫn câu chuyện như Bangladesh, bà Vân nói, có những sáng tạo nhất định trong việc tăng tín dụng xanh cho nền kinh tế, như yêu cầu một mức tối thiểu với các ngân hàng. Nhưng đặc điểm mỗi nước khác nhau, nên cách thức áp dụng triển khai cần phù hợp.

Tín dụng xanh đang ‘chảy’ vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.